Ngành thủy sản Việt Nam: Tận dụng cơ hội vàng để bứt phá

Thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của ngành nông nghiệp Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt hàng tỷ USD mỗi năm, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt, gần 67% sản lượng nuôi trồng và chiếm 65% giá trị KNXK thủy sản.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản có sự sụt giảm mạnh, song hàng loạt hiệp định bảo hộ được thông qua và sự kiểm soát tốt dịch bệnh từ các nước sẽ là cơ hội vàng cho ngành thủy sản tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.

Giá cá tra giảm mạnh

Những tháng đầu năm 2020, hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra gay gắt kèm theo ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mặt hàng cá tra ở ĐBSCL có sự khởi đầu đầy khó khăn. Giá cá tra thương phẩm hiện chỉ còn khoảng 18.000-19.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành. Đối với xuất khẩu, tính đến hết tháng 3-2020, các doanh nghiệp chỉ xuất đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại An Giang và Đồng Tháp, nhiều hộ nuôi cá như “ngồi trên đống lửa” khi chứng kiến giá cá ảm đạm. Ông Lê Quang Vinh, ở xã Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang), than thở: “Thông thường cá tra khoảng 0,8-1kg/con là thu hoạch, thế nhưng năm nay cá quá lứa tới 1,8kg/con mà bán mãi không được. Mấy tháng nay, tôi phải chạy khắp nơi mới tìm được nhà máy chịu mua với giá 17.000-18.000 đồng/kg, nhưng áp dụng mua nợ, 3 tháng sau mới thanh toán tiền. Tính ra lỗ bình quân 5.000-6.500 đồng/kg”.

 Người dân Bạc Liêu thu hoạch tôm. Ảnh: THANH CƯỜNG.

Người dân Bạc Liêu thu hoạch tôm. Ảnh: THANH CƯỜNG.

Không riêng những hộ nuôi, hàng loạt thách thức cũng đang bao vây các doanh nghiệp cá tra. Hiện, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30-40%. Lượng hàng tồn kho nhiều khiến chi phí bảo quản tăng lên, khó khăn về dòng vốn hoạt động… Nhận định về tình hình cá tra các tháng đầu năm 2020, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nam Việt, cho rằng: "Chưa bao giờ giá xuất khẩu cá tra thấp như năm nay. Dịch Covid-19 không chỉ khiến số lượng đơn hàng được ký kết giảm mà còn ảnh hưởng đến việc thanh toán giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với đối tác nhập khẩu nước ngoài, nhất là họ trì hoãn thanh toán khiến việc xoay vòng vốn của doanh nghiệp gặp khó. Nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

30% hợp đồng tôm bị hủy

Cùng với giá cá giảm mạnh, bước vào vụ nuôi tôm nước lợ năm nay, ngành tôm phải đương đầu với những thách thức lớn, đặc biệt từ tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 lan rộng, cùng với đó là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập gây nhiều khó khăn đối với người nuôi và doanh nghiệp cả trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đã thông quan trở lại nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, nên mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Dịch Covid-19 bùng phát ở một số nước khiến 20-40% số đơn hàng ký kết nhập vào châu Âu và Trung Quốc đều bị yêu cầu hoãn, thậm chí hủy bỏ. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có đơn hàng mới trong quý II và III-2020. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Camimex Group (Cà Mau), thông tin: “Thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia đã phong tỏa một phần đất nước khiến một số hợp đồng bị dừng lại. Vì thế, khoảng hai tháng liên tục, xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ. Các đơn hàng cũng giảm 50% so với bình thường”.

Ngoài dịch bệnh, nhiều người nuôi và doanh nghiệp còn lo lắng bởi tác động của hạn hán và mặn xâm nhập, khiến tôm dễ sốc, yếu, dẫn đến chết, trọng lượng tôm nhẹ. Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 4 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 25.000ha nuôi tôm của 19 tỉnh bị thiệt hại, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trước tác động “kép”, để bảo đảm an toàn, nhiều người nuôi quyết định “treo ao”, dẫn đến số lượng tôm giảm. Do đó, nếu theo dự báo, tình hình dịch bệnh ở các nước nhập khẩu được kiểm soát tốt, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ khó có lượng tôm xuất khẩu theo nhu cầu.

Cơ hội bứt phá

Tuy đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dựa trên số liệu các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong 5 năm gần đây, các chuyên gia dự báo, thời gian tới, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn là những thị trường tiêu thụ quan trọng của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng giá trị. Theo đó, ngành thủy sản còn có cơ hội vươn xa hơn. Lý giải điều này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích: “Hiện nay, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã gia tăng đáng kể. Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách chống dịch quyết liệt, quyết tâm, kịp thời ngăn chặn Covid-19 lây lan. Đây là lợi thế đầu tiên”.

Một tín hiệu lạc quan nữa cho ngành thủy sản Việt Nam là các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12-2-2020; được Quốc hội Việt Nam thông qua. Đó thực sự là cánh cửa rộng mở cho thủy sản Việt Nam.

Cùng với Hiệp định EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố đã mở ra cơ hội vàng cho ngành hàng cá tra Việt Nam. Cùng với giảm thuế, cá tra Việt Nam còn khẳng định uy tín, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Thái Lan... đồng thời dễ dàng hơn trong tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Hoa Kỳ mà còn xâm nhập vào nhiều thị trường khó tính khác.

Dù có nhiều cơ hội nhưng trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung tái cấu trúc ngành hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tập trung phát triển các thị trường để ngành thủy sản Việt Nam bứt phá trong thời gian tới.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Muốn bứt phá, người nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Việc tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm cá tra tạo sự khác biệt so với sản phẩm cá thịt trắng khác sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm cá tra thay vì các sản phẩm khác. Cùng với đó, việc cải thiện chất lượng con giống, đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong mọi điều kiện và mở rộng thị trường cũng là vấn đề các chuyên gia lưu ý.

Đề xuất thị trường tiềm năng cho ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng: “ASEAN là thị trường tiềm năng khi có mức tăng trưởng khá trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Pakistan, Brazil cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Riêng với ngành tôm cần chú trọng thị trường Nga và nội địa với gần 100 triệu dân và 20 triệu khách du lịch. Đối với con tôm, khi khai thác tốt thị trường trong nước, sức tiêu thụ nói chung không dừng lại ở mức 800.000 tấn tôm mà tiến tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm. Vì thế, giá trị không phải dừng lại ở 3,5 tỷ USD mà sẽ cao hơn”.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-thuy-san-viet-nam-tan-dung-co-hoi-vang-de-but-pha-624222