Ngành thủy sản vượt 'bão Covid-19'
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến.
Đà phục hồi khả quan
Những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, đặc biệt dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35% đến 50%. Cùng với đó, giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ, DN bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn dẫn đến thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ cũng bị ngưng trệ khiến tiêu thụ thủy sản của phân khúc này giảm đáng kể, kéo theo giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới. Các mặt hàng chủ lực đều bị giảm giá, khiến cho doanh thu của các nhà xuất khẩu giảm mạnh.
Song, sự nỗ lực của các DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất đã mang lại những kết quả khả quan đối với ngành hàng này trong những tháng gần đây. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, xuất khẩu thủy sản tháng 7 tiếp tục đà phục hồi sau khi tăng 0,3% trong tháng 6/2020.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường tiềm năng của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này tăng 20,8% so với tháng 7/2019, đạt 184,35 triệu USD. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong thời gian này cũng có dấu hiệu cải thiện khi chỉ giảm 2,3% so với tháng 7/2019, trong khi mức giảm các tháng trước ở mức trên 18%. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản vẫn gặp khó khăn và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trở lại.
Theo VASEP, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Song dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26 - 8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Sự nỗ lực của địa phương
Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương có ngành thủy sản phát triển vượt bậc, đóng góp một sản lượng lớn cho ngành thủy sản của Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của riêng huyện Phù Cát (Bình Định) đã đạt hơn 30.100 tấn, đạt gần 70% kế hoạch và tăng 3.700 tấn so với cùng kỳ năm 2019.
Để đạt được mục tiêu tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản trong năm 2020 từ 43.000 tấn trở lên, thời gian tới huyện Phù Cát tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, củng cố và thành lập mới các tổ, đội đoàn kết trên biển; đẩy mạnh phát triển tàu khai thác xa bờ để nâng hiệu quả và sản lượng khai thác; động viên ngư dân căn cứ vào từng ngư trường xuất hiện nguồn lợi thủy sản, để bố trí đánh bắt phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm tiêu hao nhiên liệu, đạt hiệu quả cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, ngành thủy sản địa phương có sự tăng trưởng vượt bậc, luôn giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 6,3 - 6,5%/năm; khai thác tăng 9,4%/năm, nuôi trồng tăng 7,6%/năm.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản giúp ngư dân có điều kiện phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ vươn khơi bám biển tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện Bình Định có đội tàu cá hơn 6.000 chiếc hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, hơn 3.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 200 - 230 nghìn tấn/năm; riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt 10.000 - 13.000 tấn/năm.
Để phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể Cá ngừ đại dương Bình Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận năm 2018, Bình Định đã triển khai hiệu quả chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Bộ NN&PTNT và được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ mô hình ứng dụng công nghệ khai thác, giúp ngư dân nâng chất lượng sản phẩm.
Ông Châu cho hay, địa phương hiện có hơn 4.000ha diện tích nuôi tôm. Trong đó, hơn 2.000ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao của các DN đầu tư. Người dân từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi thủy sản tổng hợp, thủy sản nước ngọt, mặn, lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thẻ chân trắng có giá trị gia tăng cao nhất, chiếm 84,7% tổng giá trị nuôi trồng và chiếm 11,3% tổng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản. Sản phẩm nuôi trồng đảm bảo chất lượng đã góp phần tăng giá trị ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có 5 DN hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 400 triệu USD/năm.
Đặc biệt, trong hoạt động đánh bắt, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Bội đội biên phòng tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển nghiêm túc thực thi Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); đảm bảo hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, hoạt động bốc dỡ sản phẩm, chứng nhận, xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tăng cường công tác quản lý hoạt động tàu cá tại địa phương, nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm khai thác IUU.
Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định IUU cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan yêu cầu các chủ tàu bị xử phạt hành chính chấp hành quyết định xử phạt. Nếu chủ tàu không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định. Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì lãnh đạo địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh...
Trước đà phục hồi khả quan của ngành thủy sản, theo VASEP, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến.