Ngành tòa án nỗ lực giải quyết nhiều vụ án, vụ việc phức tạp

Theo đánh giá của ngành TAND tỉnh, trong năm 2023, mặc dù đội ngũ công chức của TAND 2 cấp giảm so với năm 2022 nhưng số vụ việc phải giải quyết lại tăng. Nhờ sự nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức, mà ngành TAND tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

TAND tỉnh đưa vụ án liên quan đến sai phạm của nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai ra xét xử vào đầu tháng 11-2023. Ảnh: T.Tâm

TAND tỉnh đưa vụ án liên quan đến sai phạm của nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai ra xét xử vào đầu tháng 11-2023. Ảnh: T.Tâm

Trong đó, một số vụ án lớn, phức tạp đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

* Kịp thời đưa ra xét xử những vụ án điểm

Trong năm 2023, lãnh đạo ngành TAND tỉnh đã xây dựng và ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo TAND 2 cấp thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, mà trọng tâm là công tác giải quyết các vụ việc. Trong đó, việc đưa ra xét xử kịp thời, nhanh chóng các vụ án hình sự phức tạp, được dư luận quan tâm đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành.

Đơn cử, sau nhiều ngày đưa ra xét xử, chiều 31-8, TAND tỉnh đã tuyên án đối với các bị cáo liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa, gọi tắt là dự án KDC Phước Thái). Bị cáo Trương Quốc Tuấn (48 tuổi, ngụ P.An Phú, TP.HCM, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái) bị tuyên 14 năm tù; Nguyễn Tấn Long (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa) 10 năm tù; Nguyễn Tấn Tài (61 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, chi nhánh TP.Biên Hòa) 9 năm tù. Ngoài ra, một số bị cáo khác cũng phải lãnh bản án tù thấp nhất là 5 năm 6 tháng tù.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, vào năm 1995, Công ty liên doanh TNHH Kia - Huy Hoàng Ceramics được Nhà nước cho thuê đất với diện tích gần 88 ngàn m2 tại xã Tam Phước, H.Long Thành (nay là P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) để xây dựng nhà máy. Đến năm 2009, Công ty Kia - Huy Hoàng Ceramics bị UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực pháp lý, giao khu đất này cho Công ty CP May - xây dựng Huy Hoàng (gọi tắt là Công ty Huy Hoàng). Biết việc này, Tuấn đã thành lập Công ty Phước Thái và thỏa thuận với Công ty Huy Hoàng giao dịch thửa đất trên với số tiền bồi thường 35 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Tuấn lập hồ sơ khống để nâng giá trị bồi thường đất. Đến năm 2017, UBND TP.Biên Hòa đã thành lập Hội đồng bồi thường thực hiện dự án và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ dự án KDC Phước Thái gây thất thoát cho Nhà nước gần 79 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh vào chiều 14-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đã đánh giá cao về kết quả đạt được của ngành TAND tỉnh trong năm 2023; đồng thời, đề nghị ngành Tòa án cần nâng cao chất lượng xét xử trong từng vụ án, đảm bảo phán quyết của tòa phải thượng tôn pháp luật và có tính khả thi khi thực hiện; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa giỏi chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức tốt và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong hoạt động xét xử trực tuyến.

Trước đó, vào ngày 30-6, liên quan đến sai phạm tại dự án Xây lắp nhà màng thuộc Sở KH-CN, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Quang Tuấn (43 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) 13 năm tù; Nguyễn Hồng Đăng Khoa (42 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Nhà Nguyễn, kiêm nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn, gọi tắt là Công ty Trí Nguyễn) 12 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, 3 bị cáo khác trong vụ án này lãnh án treo.

Bản án của TAND tỉnh xác định, các bị cáo Tuấn và Khoa đã cố ý xây dựng 5 khối nhà màng của 2 dự án Nhà màng VietGAP và Nhà màng nông nghiệp trái quy định pháp luật trên đất của Công ty Trí Nguyễn và để bị cáo Khoa chiếm dụng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Trí Nguyễn, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TAND tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa một số vụ án điểm, được dư luận quan tâm ra xét xử như: vụ án liên quan đến sai phạm của nguyên lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai để “vỡ” 6 quỹ tín dụng gây thất thoát số tiền hơn 1,3 ngàn tỷ đồng; vụ án liên quan đến vợ chồng doanh nhân Nguyễn Văn Tình (61 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) lập dự án tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) lừa đảo hơn 400 bị hại để chiếm đoạt số tiền hơn 320 tỷ đồng, hay vụ sai phạm cấp đất công cho tư nhân xảy ra tại xã Bình Sơn (H.Long Thành) khiến Nhà nước mất quyền quản lý đối với 2 thửa đất trị giá hơn 18 tỷ đồng…

* Đảm bảo thượng tôn pháp luật

Theo Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước, trong năm 2023, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị mà trọng tâm là công tác giải quyết các vụ việc của ngành TAND tỉnh được thực hiện theo đúng tiến độ. Riêng án hình sự giải quyết vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, các vụ án hình sự được xét xử nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật; không để xảy ra việc kết án oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm; không để xảy ra vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xử phạt tù cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù hầu hết đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Trong năm qua, TAND 2 cấp của tỉnh đã giải quyết hơn 20,4 ngàn vụ, việc/hơn 25,3 ngàn vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ chung 80,7%.

Cũng theo lãnh đạo TAND tỉnh, việc giải quyết án dân sự, án hành chính dù chưa đạt chỉ tiêu nhưng số vụ giải quyết đã tăng so với năm 2022. Hiện nay, đội ngũ công chức, nhất là thư ký tòa án chưa được bổ sung kịp thời nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các vụ việc. Tuy nhiên, ngành TAND tỉnh đã nỗ lực và quyết tâm cao trong việc đề ra kế hoạch, thu thập tài liệu chứng cứ, tiến hành nhiều thủ tục tố tụng theo luật định để giải quyết án.

“Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ xét xử án hình sự. Thông qua việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đã giúp tăng khả năng tiếp cận công lý, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn. Qua đó bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án nhanh hơn, tiết kiệm chi phí và giải quyết khó khăn về phòng xét xử cho các tòa án” - Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho hay.

Thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND 2 cấp của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên; theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết án. Đồng thời, đề ra giải pháp trọng tâm, hiệu quả nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành các chỉ tiêu công tác; đảm bảo 100% các vụ, việc được giải quyết trong thời hạn; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan...

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202311/nganh-toa-an-no-luc-giai-quyet-nhieu-vu-an-vu-viec-phuc-tap-0d54caf/