Ngành tòa án tiếp tục dừng các phiên tòa còn thời hạn đến 15/4
Đối với các vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng, nhưng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 30/3, TAND Tối cao tiếp tục có công văn 113/TANDTC-VP về việc phòng, chống dịch Covid-19, gửi đến các tòa án Quân sự Trung ương, TAND Cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tòa án Quân sự cấp Quân khu và tương đương.
Công văn yêu cầu từ ngày 31/3 đến ngày 15/4, các tòa án tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/2020/CT-TA ngày 10/3 của Chánh án TAND Tối cao về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống TAND. Đối với các vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng, nhưng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Không tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng; yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách trên 2m giữa người với người trong phòng xét xử. Yêu cầu người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trước khi vào phòng xử án phải được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang trong suốt thời gian tố tụng.
Dừng việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở; giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2m; luôn đeo khẩu trang khi làm việc và khi đi ra ngoài.
Quán triệt yêu cầu công chức trong đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp tự phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Khuyến cáo công chức hạn chế tiếp xúc xã hội; hạn chế tụ tập đông người; hạn chế việc di chuyển đi lại, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Yêu cầu công chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt thời gian sinh sống tại gia đình, di chuyển trên đường, tiếp xúc xã hội và làm việc tại cơ quan.
Công văn của TAND Tối cao còn nêu: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, nhất là tăng cường việc giám sát các trường hợp công chức bị cách ly tại gia đình, cách ly tại các cơ sở cách ly và cơ sở y tế; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế theo quy định đối với các trường hợp công chức không tự nguyện cách ly. Xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với công chức không thực hiện, thực hiện không đúng quy định, yêu cầu phòng, chống dịch; để xảy ra tụ tập đông người; đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế. Chỉ đạo xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự các trường hợp làm lây nhiễm bệnh cho người khác; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường... theo đúng quy định của pháp luật”, công văn của TAND Tối cao nêu.