Ngành Tòa án tỉnh đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã triển khai với những giải pháp cụ thể. Từ đó nâng cao chất lượng xét xử và tranh tụng tại phiên tòa; góp phần quan trọng xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cán bộ Tổ Hành chính - Tư pháp (Tòa án nhân dân tỉnh) tiếp nhận, xử lý hồ sơ vụ án.

Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững. Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm vẫn tiềm ẩn phức tạp; việc tranh chấp về dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình... đòi hỏi cơ quan tư pháp không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW.

Ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Căn cứ mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ của Chiến lược và các chương trình trọng tâm CCTP của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao, TAND tỉnh Điện Biên đã ban hành các chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ và hàng năm; chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; định kỳ báo cáo tình hình, kết quả với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và Ban cán sự Đảng TAND Tối cao. Tham mưu cho Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo CCTP để chỉ đạo thực hiện Chiến lược CCTP tại cơ quan, tổ chức, địa phương. Từ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong TAND hai cấp về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp nói chung, TAND nói riêng và hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sự cần thiết phải tiến hành và đẩy mạnh CCTP đã được nâng lên rõ rệt.

Thực hiện chiến lược CCTP thì việc tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND cấp huyện đã giúp giải quyết được tình trạng tồn đọng án ở TAND cấp tỉnh và các vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng các vụ, việc đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án ngày càng nâng cao, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Đẩy mạnh CCTP, TAND tỉnh xây dựng Đề án thành lập các Tòa chuyên trách ở TAND tỉnh và TAND cấp huyện; thành lập Tổ Hành chính - Tư pháp thuộc Văn phòng TAND tỉnh; 10 Tòa án cấp huyện trực thuộc tỉnh đều thành lập Tổ Hành chính - Tư pháp. Qua đó giúp công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc có nhiều chuyển biến, tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng, hướng đến sự công khai, minh bạch các hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án. Cùng với đó, TAND tỉnh phối hợp tốt với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền về công tác xét xử, qua đó nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp đã thụ lý 1.588 vụ, việc (giảm 112 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2020); đã giải quyết 1.147 vụ, việc (đạt tỷ lệ 72,32%).

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử là khâu đột phá của hoạt động tư pháp được ngành Tòa án tỉnh chú trọng trong thời gian qua. Phần tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm xác định sự thật của vụ án, lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm căn cứ giải quyết vụ án. Trong công tác xét xử, tòa án không hạn chế thời gian tranh tụng, đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, hội đồng xét xử có các phán quyết đúng pháp luật. Đồng thời, vai trò của luật sư từng bước được khẳng định, số vụ việc luật sư tư vấn, tham gia bào chữa và trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế việc xét xử oan, sai.

Thời gian tới, TAND hai cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính tư pháp; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hóa trang thiết bị đáp ứng việc yêu cầu công khai, minh bạch trong các hoạt động tố tụng của tòa án. Chú trọng hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp để bảo đảm sự tách bạch với hoạt động xét xử. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại tòa án.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/186624/nganh-toa-an-tinh-day-manh-cai-cach-tu-phap-nang-cao-chat-luong-xet-xu