Ngành tôm cần tập trung vào hai 'việc lớn'

Trong khi xuất khẩu cá tra gặp khó khăn thì mặt hàng tôm lại có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho rằng, để ngành tôm phát triển cần tập trung vào hai việc lớn là đánh số ao nuôi tôm và có chính sách thành lập trang trại nuôi tôm đạt chuẩn.

Sản phẩm tôm muốn thâm nhập các hệ thống tiêu thụ cấp cao phải đạt chuẩn nuôi ASC. Ảnh: Dũng Minh.

Sản phẩm tôm muốn thâm nhập các hệ thống tiêu thụ cấp cao phải đạt chuẩn nuôi ASC. Ảnh: Dũng Minh.

Theo ông, cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến tôm hiện nay là gì?

Tôm là thực phẩm ngon, thơm, bổ nên đa phần người tiêu dùng đều thích, vấn đề chỉ là cân đối “túi tiền”, cho nên tôm không sợ ế, hoặc không sợ “dội chợ” như cá tra.

Nghề nuôi tôm vừa qua và hiện nay có nhiều bất trắc vì tôm bị dịch bệnh thường xuyên. Đôi lúc, tưởng chừng nghề này không còn bền vững. Cũng may, Thủ tướng đã đưa tôm vào danh mục sản phẩm quốc gia và xây dựng chương trình quốc gia phát triển con tôm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó chú trọng vào con tôm. Cho nên tương lai con tôm Việt rất sáng.

Ông nhận định như thế nào về ngành thủy sản khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực được 3 tháng?

EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, cánh cửa đại lộ mở ra cho nhiều ngành kinh tế và có thể hưởng lợi từ đó. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Con cá, con tôm Việt Nam muốn tung tăng trên đại lộ phải có giấy thông hành.

Đây là chuẩn mực sẵn có của EU chứ không phải hàng rào mới dựng lên. Giấy thông hành đó là truy xuất nguồn gốc và nuôi tôm đạt chuẩn theo EU quy định.

Để truy xuất nguồn gốc, các ao nuôi tôm phải được đánh số mã ao nuôi. Số ao nuôi tôm của Việt Nam quá nhiều nên công tác đánh số chậm, tỷ lệ ao có mã số hiện chỉ đạt một con số.

Với cá tra, do có ít ao nên thuận lợi hơn. Nói chung, đánh số ao nuôi là giấy thông hành xuất khẩu. Còn con tôm muốn thâm nhập các hệ thống tiêu thụ cấp cao phải đạt chuẩn nuôi ASC (bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm).

Đây là khúc mắc, bởi tỷ lệ diện tích nuôi tôm đạt chuẩn này cũng mới ở mức một con số. Cho nên, đánh số ao nuôi tôm và có chính sách thành lập trang trại nuôi tôm đạt chuẩn là việc lớn mà ngành tôm cần tập trung đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Ông có thể chia sẻ cách FMC xây dựng niềm tin với bạn hàng, cổ đông?

FMC từ khi lên sàn chứng khoán năm 2006 đến nay luôn nỗ lực cung cấp thông tin kịp thời và trung thực. Tính minh bạch còn thể hiện ở việc kê khai thuế luôn chính xác. Công ty thuộc dạng biết cân sức mà liệu bước đi cho mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.

Suy nghĩ chủ quan của tôi là con thuyền FMC trong 25 năm qua đi trên biển nhỏ. Thời điểm này, Công ty chuẩn bị tâm thế ra biển lớn.

Sự chuẩn bị đó là tái tổ chức cơ cấu hoạt động trên cơ sở đánh giá thực lực, nhằm mục đích mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm khách hàng, hạn chế rủi ro, tạo cơ hội cho lớp trẻ có nhiều cơ hội thể hiện năng lực.

Chúng tôi sẽ thành lập thêm các đơn vị trực thuộc, xây dựng thêm nhà máy chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu…

FMC từ trước đến nay hoạt động theo chiến lược và tận dụng mọi cơ hội kinh doanh. Chẳng hạn, sau khi đối thủ số 1 về tôm chế biến sâu ở EU là Thái Lan không còn được hưởng ưu đãi thuế quan, từ năm 2016, Công ty đã xây dựng ngay chương trình thâm nhập thị trường EU và đến nay đạt được nhiều thành công. Thời gian tới sẽ là thời gian tăng tốc của FMC.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-tom-can-tap-trung-vao-hai-viec-lon-post254009.html