Ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản
Hiện nay tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD.
Tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam" diễn ra ngày 21/7 tại TP.Hồ Chí Minh, ông Ngô Thế Anh - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho biết, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua.
Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Tuy nhiên, ông Ngô Thế Anh cho hay, diện tích và sản lượng tôm mặc dù đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, song kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao. Ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn - mặn
Về định hướng phát triển ngành tôm nước lợ thời gian tới, ông Thế Anh chia sẻ, sẽ tập trung áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, đa dạng các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xi măng, ao lót bạt.
Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa; áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh.../.
Xuất khẩu tôm dự báo sôi động trở lại từ tháng 8/2023
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình. Dự kiến đến tháng 8/2023 năm nay, nhập khẩu tôm của thị trường này mới có thể sôi động trở lại.