Ngành Tư pháp Bình Dương – tiên phong trong chuyển đổi số
Năm 2024, ngành Tư pháp Bình Dương đã hoàn thành các kế hoạch, chương trình công tác đề ra với nhiều điểm sáng, nổi bật.
Ngày 15/01/2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và đoàn công tác đã dự Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương. Phía địa phương, tham dự hội nghị có Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Anh Hoa cùng lãnh đạo nhiều sở ngành địa phương.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Bình Dương, ngành Tư pháp Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp,... Năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch cho hơn 1 triệu trường hợp và chuyển dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia; tiếp nhận gần 1.400 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ công trực tuyến và trên ứng dụng VneID; triển khai chứng thực bản sao điện tử hiệu quả với số lượng tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2023 trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính...
Sở Tư pháp đưa vào vận hành cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh với tên miền https://pbgdpl.binhduong.gov.vn. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì thực hiện nề nếp với nhiều hình thức phong phú trên báo đài, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức trực tuyến... Các Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện 8.073 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp (tăng 7,6 lần so với năm 2023); tổ chức 140 cuộc thi tìm hiểu pháp luật (tăng 5,4 lần so với năm 2023).
Ngoài ra công tác hòa giải cơ sở ngày càng đi vào thực chất. Hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường; hoạt động công chứng, giám định tư pháp,… thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh. Song song đó, Sở Tư pháp ban hành các văn bản chấn chỉnh, tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực công chứng, luật sư, thừa phát lại.. tại một số tổ chức bổ trợ tư pháp.
Báo cáo tại hội nghị, kế hoạch triển khai công tác của ngành Tư pháp Bình Dương năm 2025 sẽ tiếp tục phát huy những thành quả của năm 2024 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Trong đó, đáng chú ý là đẩy mạnh vai trò tham mưu hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; gắn kết chặt chẽ hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp cũng triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý...
Nhiều lợi ích thiết thực từ số hóa
Tại hội nghị, nhiều tham luận của các phòng tư pháp cấp huyện của tỉnh Bình Dương liên quan đến chủ đề triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 – Đề án 06) được trao đổi sôi nổi. Trong đó đáng chú ý là các tham luận “Kết quả đạt được và một số vướng mắc trong quá trình thực hiện số hóa sổ hộ tịch” của Phòng Tư pháp TP. Thủ Dầu Một, và “Kết quả triển khai thí điểm chứng thực bản sao điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính” của Phòng Tư pháp TP.Dĩ An.
Các tham luận đã nêu bật những lợi ích thiết thực khi thực hiện số hóa một số thủ tục hành chính khi chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2024, ngành Tư pháp toàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch cho hơn 1 triệu trường hợp và chuyển dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia; tiếp nhận gần 1.400 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ công trực tuyến và trên ứng dụng VNeID,…
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao, chúc mừng những thành tích, kết quả mà ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương đã đạt được. Toàn ngành đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, kịp thời xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, theo ông Mai Hùng Dũng, Sở Tư pháp tham mưu các chủ trương, cơ chế, chính sách, chương trình, đề án cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến công tác xây dựng thể chế; góp ý, thẩm định để tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, ngành Tư pháp đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Công tác hòa giải ở cơ sở đạt nhiều kết quả cụ thể, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đoàn kết trong cộng đồng dân cư (tỷ lệ hòa giải thành đạt 91%).
Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã bày tỏ vui mừng về dự Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, ông Mai Lương Khôi đã gửi lời chúc Tết đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp tỉnh.
Đánh giá vị trí, vai trò của ngành Tư pháp, theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, trên cơ sở các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Qua đó, công tác tư pháp cả nước ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; vị thế của ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương được cùng cố, tăng cường. Trong thành tựu chung của ngành Tư pháp cả nước có sự đóng góp tích cực của các địa phương, trong đó có sự đóng góp của Tư pháp tỉnh Bình Dương.
Nhận xét về những thành tựu của ngành Tư pháp Bình Dương trong những năm qua, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, trong điều kiện biên chế mỏng, áp lực khối lượng công việc ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp, nhưng tập thể công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp Bình Dương vẫn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục duy trì nhịp độ cao trong công tác. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đến một số mặt công tác mang tính sáng tạo, đóng góp chung vào hiệu quả công tác của Bộ, ngành và địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2024, Sở Tư pháp đã chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành nên đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc tham mưu cho tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; công tác cải cách thủ tục hành chính có những đột phá với nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo, điều hành đối với ngành Tư pháp và sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm công tác tư pháp tỉnh Bình Dương.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu với những kết quả mà các đồng chí đã đạt được, đồng thời trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban ngành của tỉnh đối với ngành Tư pháp trong suốt thời gian qua”, Thứ trưởng nói.
Bước sang năm 2025, là năm có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, chuẩn vị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 hướng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhất trí cao với các định hướng công tác của ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương trong năm 2025 đồng thời, ông đề nghị lãnh đạo ngành tập trung tốt hơn 6 nhóm nội dung.
Thứ nhất, cần tập trung tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả 09 nhiệm vụ trọng tâm và 06 giải pháp chủ yếu mà Bộ đã đề ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Bám sát các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để kịp thời triển khai đồng bộ các chính sách của địa phương.
Nhắc lại kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11/2024, Thứ trưởng Mai lương Khôi đề nghị nhóm nội dung thứ hai là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó đổi mới tư duy xây dựng và hoàn thiện pháp luật, theo hướng và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khai thông các nguồn lực, giải phóng sức sản xuất để phát triển. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của tư pháp trong việc tham mưu cho chính quyền tỉnh trong công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương.
Nội dung thứ ba, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, phải đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cải tiến về nội dung hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật bám sát các sự kiện chính trị pháp lý của đất nước các nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành địa phương.
Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm,... Đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực công tác này với trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng, thực hiện triển khai có hiệu quả Đề án số hóa sổ bộ hộ tịch tại Sở Tư pháp, góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và thực hiện có hiệu quả Đề án 06.
Nhiệm vụ thứ năm, Thứ trưởng đề nghị không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng yêu cầu nhiệm vụ thứ sáu là tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp tại địa phương theo quy định, hướng dẫn chung. Thực hiện hiệu quả việc luân chuyển cán bộ, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, hướng mạnh về cơ sở để giải quyết tốt nhất các nhu cầu của người dân.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 18 cá nhân.
Trao bằng khen “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của Bộ trưởng Tư Pháp cho tập thể Sở Tư pháp và 2 cá nhân thuộc Sở. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng tặng bằng khen Lao động xuất sắc cho 3 tập thể và 2 cá nhân thuộc Sở Tư pháp Bình Dương