Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới

Sau 8 năm thực hiện phong trào thi đua 'Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới' giai đoạn 2012-2020, toàn Ngành Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo lập cơ chế, chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi để tổ chức thực hiện thắng lợi Chương trình quốc gia và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cục THADS Hà Tĩnh trao nhà tình nghĩa

Cục THADS Hà Tĩnh trao nhà tình nghĩa

Theo đó, thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Kế hoạch số 2611/KH-BTP ngày 3/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát động phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” và Quyết định số 2288/QĐ-BTP ngày 31/10/2016 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục THADS đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ được giao gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật và thẩm định VBQPPL, từ năm 2012 đến nay, ngành Tư pháp đã chủ trì xây dựng và tham gia xây dựng 100% các dự thảo VBQPPL được giao. Nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng các VBQPPL liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới như: pháp luật về đất đai, môi trường, rừng, biển, khoáng sản, hôn nhân và gia đình… Công tác thẩm định VBQPPL đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác kiểm tra VBQPPL được triển khai có hiệu quả, chất lượng ngày càng nâng cao. Công tác kiểm tra VBQPPL theo chuyên đề Nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện nghiêm túc, bài bản, kịp thời phát hiện những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và kiến nghị xử lý theo đúng quy định.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở được chú trọng tăng cường. Tính đến ngày 1/5/2019, cả nước có 26.716 báo cáo viên pháp luật, 144.591 tuyên truyền viên pháp luật. Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 107.074 tổ hòa giải với 650.366 hòa giải viên. Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2017 có 5.049 xã đạt chuẩn, năm 2018 có 6.876 xã đạt chuẩn. Việc công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã đóng góp thiết thực vào 50,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn quốc (tính đến tháng 8/2019).

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Bắc Kạn tham gia sửa đường ống nước cho người dân

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Bắc Kạn tham gia sửa đường ống nước cho người dân

Đối với công tác THADS, Tổng cục THADS đã phối hợp với chính quyền địa phương đăng ký tham gia giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới, lồng ghép hoạt động xây dựng nông thôn mới với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn hệ thống THADS đã hỗ trợ xây dựng 18 nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình nghĩa.

Các công tác khác như: trợ giúp pháp lý; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính, hộ tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã cũng đã góp phần thực hiện thắng lợi chru trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” đã tạo sự thống nhất, đồng bộ, phát triển rộng khắp, thiết thực, hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Phong trào được các đơn vị triển khai với các nội dung, tiêu chí rõ ràng, cụ thể, thiết thực; được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành tích cực hưởng ứng; tạo động lực, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào chưa thực sự đồng đều, vẫn còn biểu hiện tính hình thức. Nội dung, biện pháp tổ chức ở một số cơ quan, đơn vị chưa linh hoạt, sát thực tế với nhiệm vụ, đặc điểm, điều kiện cụ thể. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia, hưởng ứng phong trào này chưa chủ động, tích cực..

Để khắc phục những tồn tại đó, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tìm ra cách làm hay, sáng tạo, phù hợp; nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong việc hưởng ứng tham gia phong trào; phát hiện, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và nhân rộng mô hình mới, nhân tố mới trong quá trình thực hiện phong trào…

Lê Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/nganh-tu-phap-chung-suc-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi-475058.html