Ngành tư pháp đóng góp lớn cho sự phát triển

Ngày 27-8, Bộ Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm Ngành tư pháp 75 năm xây dựng và phát triển. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Ngày Truyền thống ngành tư pháp năm nay được tổ chức gọn nhẹ theo hình thức tọa đàm.

Theo báo cáo tại tọa đàm, ngày 28-8-1945, Bộ Tư pháp được thành lập. Thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện chức năng quản lý công tác tư pháp với ưu tiên đầu tiên là giúp Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý quan trọng. Đây là cơ sở tạo lập nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật và nền tư pháp dân chủ nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập...

Bộ Tư pháp tham gia Chính phủ với vai trò tương tự như mô hình ở nhiều quốc gia khác. Đó là chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự, tố tụng, tổ chức và quản trị các tòa án, về truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành án phạt, quản trị nhà lao…

Tại tọa đàm, bà Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nhắc lại tiến trình lịch sử: Năm 1960, Luật Tổ chức Chính phủ không còn quy định Bộ Tư pháp trong thành phần Chính phủ, thay vào đó là các cơ quan pháp chế, đến năm 1972 được nâng lên thành Ủy ban Pháp chế. Tiếp đó, tháng 11-1981, Bộ Tư pháp được tái lập.

Bà Mai cho rằng nhìn lại quá trình 75 năm xây dựng và phát triển ngành tư pháp thì thấy phải bước vào thời kỳ đổi mới, quản lý nhà nước bằng pháp luật mới được khẳng định. Bộ Tư pháp với vị trí hội tụ hoạt động chuyên môn của cả ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp, đã có những đóng góp âm thầm nhưng góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng nước nhà. Vai trò có tính chất thể chế ấy ngày càng được nhận thức rõ hơn khi mà dư địa phát triển của quốc gia chủ yếu dựa vào sức bật thoát nghèo, cởi trói đã dần cạn kiệt. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần nhắc tới yêu cầu đột phá thể chế để nước nhà có thể bứt phá trong giai đoạn mới.

Theo bà Mai, để cùng các thành viên Chính phủ kiến tạo đột phá, Bộ Tư pháp phải tư duy đường dài và để giữ được tư duy dài hơi cần chú trọng công tác cán bộ ở cả ba lớp.

Đầu tiên là cán bộ chiến lược, có tư duy chiến lược của ngành ở tầm quốc gia, đưa về địa phương tiếp thu, trải nghiệm thực tế để làm phong phú công tác quản lý khi trở lại trung ương.

Thứ hai là cán bộ tham mưu, nằm trong các lãnh đạo cấp vụ. Họ phải thực sự trở thành chuyên gia trong từng lĩnh vực, để các bộ, ngành khác khi cần là tìm đến như một chỗ dựa pháp lý. Cán bộ tham mưu ấy không chỉ giỏi chuyên môn hẹp của mình mà cũng phải có hiểu biết ở các lĩnh vực khác của ngành.

Lớp thứ ba là cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, được rèn giũa, nâng cao trách nhiệm công vụ trước yêu cầu của người dân.

Khi có ba lớp cán bộ chất lượng thì Bộ Tư pháp sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ triển khai tiếp ba chiến lược về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính cho giai đoạn 2021-2030.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nganh-tu-phap-dong-gop-lon-cho-su-phat-trien-934837.html