Ngành Tư pháp khắc phục khó khăn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội

'Sáu tháng đầu năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung đã tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành Tư pháp đã kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, tiếp tục đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương'.

Sáng 17-7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2020 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đồng chí đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Về phía Bộ Tư pháp, có đồng chí Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cùng các đồng chí thủ trưởng tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thủ trưởng, phó thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS.

Tại điểm cầu địa phương có các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc, cán bộ chủ chốt Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp, các đồng chí Cục trưởng, Chánh Văn phòng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, toàn ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tích cực và chủ động tham gia với Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc rà soát, chuẩn bị cơ sở pháp lý, xây dựng các văn bản để chỉ đạo ứng phó, hỗ trợ các ngành sớm ổn định, phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 1-1-2020 của Bộ Tư pháp.

Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Việc tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý nhà nước về luật sư, hợp tác quốc tế về pháp luật đều đạt kết quả tốt.

Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Xuân Hồng tham luận về công tác bán đấu giá tài sản thi hành án tại Hội nghị

Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Xuân Hồng tham luận về công tác bán đấu giá tài sản thi hành án tại Hội nghị

Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL, chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn, các dự án luật đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao; công tác rà soát VBQPPL được các Bộ, ngành triển khai quyết liệt; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với đại dịch được thực hiện kịp thời, có chất lượng.

Toàn ngành đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu LLTP, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục thu được nhiều kết quả ấn tượng; hoàn thành việc gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong Ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả nêu trên tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Tư pháp nhìn nhận công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm còn có những một số tồn tại, hạn chế. Theo thống kê, kết quả công tác trên các lĩnh vực hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng một số Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn để xảy ra tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình. Trình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành vẫn còn nhiều và tăng so với cùng kỳ năm 2019 (sáu tháng đầu năm còn nợ 9 văn bản, tăng 2 văn bản)…

Sáu tháng cuối năm, tình hình thế giới và Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tạp ở nhiều khu vực. Trên cơ sở những kết quả đạt được, đặc biệt là việc nhận diện những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác Tư pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-tu-phap-khac-phuc-kho-khan-dong-gop-tich-cuc-vao-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-201734.html