Ngành tư pháp sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước
Nhân dịp năm mới Tân Sửu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ về những nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp nhiệm kỳ 2021-2025.
Giải quyết từ nhiệm vụ vĩ mô đến các vấn đề cụ thể
Bộ trưởng Lê Thành Longnhấn mạnh, lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tư pháp trải rộng từ những nhiệm vụ có tính chất vĩ mô trong hoạch định chính sách, xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật đến quản lý và giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước nhiệm kỳ vừa qua có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ, ngành tư pháp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong đó, công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, được Đảng, Quốc hôi, Chính phủ và Nhân dân đánh giá cao.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng; tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như thể chế trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ qua 112 văn bản; trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cảu các bộ, ngành 5.244 văn bản; ở địa phương, các cơ quan tư pháp đã kịp thời tham mưu xây dựng, phối hợp xây dựng để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành nhiều văn bản phục vụ phát triển, quản lý kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Các báo cáo thẩm định là căn cứ quan trọng để các cơ quan xem xét, quyết định việc ban hành hoặc trình ban hành văn bản; là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND sử dụng trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, thông qua các dự án, dự thảo.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tư pháp đã kiểm tra hơn 40.000 văn bản. Qua đó, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.
Công tác rà soát văn bản được tập trugn thực hiện. Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, với gần 8.800 văn bản; qua đó, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản đã được Chính phủ Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu.
Cùng với xây dựng pháp luật, công tác tổ chức thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai, phù hợp với định hướng chiến lược về xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Cơ quan tư pháp các cấp kịp thời tham mưu ban hành các kế hoạch triển khai VBQPPL; chủ trì hoặc tham gia xây dựng, tổ chức thẩm định các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được giao, góp phần giảm thiểu tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản trong tổ chức thi hành pháp luật.
Nổi bật là Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và toàn ngành tư pháp tập trung tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ trong “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được tăng cường, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm liên ngành. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền những bất cập trong thực tiễn để có phản ứng chính sách kịp thời trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội và giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thi hành án dân sự và theo dõi án hành chính thực chất và bền vững hơn
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, những năm qua, công tác Thi hành án dân sự (THADS), theo dõi án hành chính (THAHC) ngày càng đạt được kết quả tích cực, năm sau cao hơn năm trước, thực chất và bền vững hơn. Tính chung trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong 2,8 triệu việc tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng, tăng 20,33% về việc và 56% về tiền so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, với xu thế xã hội ngày càng phát triển thì các vụ việc tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp, dẫn đến gia tăng số lượng khá lớn các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nên việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, hành chính cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác THADS, theo dõi THAHC, thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện thể chế nội bộ để đơn giản hóa các thủ tục liên quan; nghiên cứu, tổng kết đánh giá kỹ lưỡng từng chính sách làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về THADS, THAHC. Ngay trong năm 2021, tham mưu, hoàn thiện trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tạo cơ sở chính trị vững chức để thực hiện có hiệu quả công tác này.
Thứ hai, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng và các khoản thu cho ngân sách nhà nước; việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giám sát công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, thiếu sót, có biện pháp khắc phục ngay từ giai đoạn đầu khi tổ chức thi hành vụ việc.
Thứ ba, chú trọng bảo đảm nguồn lực cho công tác THADS, THAHC; xây dựng đội ngũ công chức THADS (nhất là lực lượng Chấp hành viên) trong sạch, vững mạnh; củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện kiểm soát tốt tình hình nội bộ của các cơ quan THADS; tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả với Bộ, Ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác THADS, THAHC, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an; Ban Nội chính Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường... trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong THADS; thực hiện có hiệu quả phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác THADS, công tác THAHC tại địa phương và trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Hệ thống THADS.
Nhiệm kỳ mới: Thời cơ mới, vận hội mới
Nhiệm kỳ mới 2021-2025 là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt với nhiều thời cơ và vận hội mới, nhưng dự báo nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII vừa qua và các Kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tư pháp đã đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn cho ngành, nhất là về công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ, ngành tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là,tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục đổi mới tư duy, lề lối làm việc, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tận dụng tốt các cơ hội để đưa công tác tư pháp ngày càng phát triển bền vững. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao và theo yêu cầu, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của các bộ, ngành và của từng địa phương.
Hai là,chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ chođội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Ba là,ứng dụng mạnh mẽ, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác của Bộ, Ngành, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, chế độ thông tin, thống kê, báo cáo, gửi/nhận văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là,nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế; chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Năm là,tăng cường đoàn kết, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm khắc các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm. Đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.