Ngành tuyên giáo Lào Cai cần tiếp tục tạo khâu đột phá

Khái niệm 'tuyên giáo' lần đầu tiên xuất hiện năm 1959 khi Trung ương Đảng quyết định hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Văn giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Văn giáo Trung ương, gọi tắt là Ban Tuyên giáo Trung ương. Đến năm 1968, Đảng quyết định tách Ban Tuyên giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương. Từ đó, thuật ngữ công tác tuyên giáo ít được sử dụng. Đến năm 2007, Bộ Chính trị ra quyết định hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ đây, thuật ngữ công tác tuyên giáo được sử dụng trở lại cho đến nay. Tuy nhiên, 'tuyên giáo' lúc này đã mang một nội dung mới, khác với thuật ngữ công tác tuyên giáo thời kỳ 1959 - 1968. Công tác tuyên giáo hiện nay bao gồm công tác tư tưởng, văn hóa - văn nghệ, khoa giáo.

Cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập chuyên đề học Bác năm 2020.

Cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập chuyên đề học Bác năm 2020.

Công tác tư tưởng gồm: nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tuyên truyền được tiến hành trên cơ sở kết quả lý luận; cổ động. Trên thực tế, tuyên truyền và cổ động luôn đi cùng với nhau, nhưng đó là 2 công đoạn của công tác tư tưởng. Như vậy, công tác tư tưởng rất rộng, trên mọi lĩnh vực lãnh đạo của Đảng với 3 hình thái vận động logic, có quan hệ mật thiết với nhau và là công việc của mọi cấp, mọi ngành từ trung ương đến cơ sở, của mọi cán bộ, đảng viên. Ban tuyên giáo các cấp chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất, hướng dẫn kiểm tra toàn bộ nội dung, hình thức, bảo đảm cấp ủy lãnh đạo trực tiếp mọi hoạt động trong 3 hình thái công tác, nhất là hoạt động của các cơ quan nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị, cơ quan tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (các cơ quan khối tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ…). Do đó, công tác tuyên giáo trong thực hiện mảng công tác tư tưởng không chỉ là tuyên truyền, giáo dục mà còn bao gồm lý luận, trong đó lý luận là gốc. Công tác tư tưởng bảo đảm cho công tác chính trị được thực hành, giữ vững vai trò lãnh của Đảng cầm quyền, lãnh đạo trên mọi lĩnh vực, là công tác trọng yếu của mọi cấp ủy, tổ chức đảng…

Mảng thứ hai của công tác tuyên giáo là công tác văn hóa - văn nghệ và khoa giáo. Ở mảng này, công tác tuyên giáo chịu trách nhiệm vừa tham mưu cho Đảng lãnh đạo về tư tưởng đối với 2 lĩnh vực này, vừa tham mưu bảo đảm lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, khoa giáo luôn hoạt động và phát triển theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Khác với công tác tư tưởng nói chung, Đảng vừa lãnh đạo nhưng cũng vừa thực hiện công tác văn hóa - văn nghệ và khoa giáo, toàn bộ hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cơ quan tuyên giáo các cấp làm công tác tham mưu giúp cho cấp ủy đảng ban hành nghị quyết, chỉ thị… về xây dựng, phát triển văn hóa - văn nghệ, khoa giáo; hướng dẫn, tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết trong các lĩnh vực liên quan, đồng thời kiểm tra và sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; tham gia ý kiến về bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của Đảng trong các lĩnh vực đó; giáo dục, bồi dưỡng văn nghệ sỹ, trí thức… Như vậy, mảng công tác thứ hai rất quan trọng, có chiều sâu, đòi hỏi phải dành nhiều công sức, trí tuệ mới tham mưu tốt công tác này...

Với 2 mảng công tác như vậy, công tác tuyên giáo ngày càng rộng, càng khó, phức tạp, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu cực đoan và thời đại công nghiệp 4.0… Hiện nay, không ít cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, kể cả cán bộ tuyên giáo vẫn chưa nhận thức đầy đủ nội dung từng mảng công tác và nhận diện rạch ròi 2 nhiệm vụ nên tham mưu chưa trúng, chồng chéo, sự phối hợp thực hiện nhiều khi chưa hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ hoặc không đầy đủ, hoặc thiếu chiều sâu, không tạo được sự đột phá.

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đạt được nhiều kết quả trong công tác tuyên giáo, góp phần lớn trong thành tựu chung của tỉnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, vẫn cần tạo được khâu đột phá về công tác tuyên giáo. “Đột phá” có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Từ thực tế công tác trong ngành và qua tìm hiểu, nắm bắt công tác tuyên giáo thời gian gần đây, tôi nhận thấy, đột phá về công tác tuyên giáo lúc này là nhằm vào khâu trọng yếu, thực tế đang yếu để tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao. Từ hiệu quả của khâu đột phá sẽ có sức lan tỏa đến các lĩnh vực, khâu khác trong công tác tuyên giáo, thậm chí lan tỏa đến toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Trước thực tế đó, tôi đề xuất 2 khâu “đột phá” thuộc 2 mảng công tác của ngành trong thời gian tới.

Một là nâng cao chất lượng công tác lý luận và giáo dục lý luận chính trị bằng việc tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành quy định về việc nâng cao chất lượng học tập nghị quyết của Đảng và chất lượng giáo dục lý luận chính trị, gắn lý luận với thực tiễn của địa phương.

Việc học tập nghị quyết của Đảng đang là khâu yếu hiện nay, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, vừa là thời cơ và cũng là thách thức lớn đối với ngành. Do đó, cần quy định cụ thể việc sử dụng tối đa thành tựu công nghệ, đồng thời phát huy được vai trò của báo cáo viên các cấp, gắn học tập nghị quyết với liên hệ thực tế của từng cấp, nhất là ở cơ sở, của cán bộ và đảng viên.

Hai là nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn (thuộc mảng công tác thứ hai của ngành) về văn hóa - văn nghệ và khoa giáo bằng cách tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng đề án hoặc chương trình, kế hoạch tổng kết toàn khóa về việc thực hiện các nghị quyết thuộc lĩnh vực này. Qua khảo sát, nghiên cứu một số đề tài khoa học cấp tỉnh, một số báo cáo tổng kết thực hiện các nghị quyết lĩnh vực khoa giáo, văn hóa (cả trong lĩnh vực tư tưởng) đang có độ chênh khá lớn với thực tế nên rất khó tham mưu chủ trương sát thực tế, cụ thể để tạo được sự chuyển biến sâu sắc… Do đó, ngoài việc quan tâm sử dụng hệ thống dữ liệu do các cơ quan chức năng quản lý, cần thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học, phải tham mưu ngay từ bây giờ nội dung nghiên cứu khoa học là gì, số lượng và tên từng đề tài trong cả nhiệm kỳ. Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học phải nhằm phục vụ đắc lực việc tổng kết thực hiện các nghị quyết của Đảng, phải huy động tối đa lực lượng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên địa bàn tỉnh vào cuộc.

Ngoài 2 nội dung đề xuất trên, đề nghị các ngành trong khối tư tưởng, khoa giáo, văn hóa - văn nghệ chủ động thực hiện các khâu đổi mới, đột phá của mình. Mô hình tuyên vận đã được duy trì là sự gắn kết tuyên truyền và cổ động ở cơ sở nên cần tiếp tục nâng cao chất lượng, nhất là khâu lý luận và đội ngũ báo cáo viên ở cơ sở, cần lượng hóa nhiều hơn trong đánh giá công tác tuyên vận hằng tháng và năm (báo cáo các năm 2018, 2019 về công tác này đang có xu hướng chung chung, chưa đúng yêu cầu Quy định số 11 ngày 26/10/2016 của Tỉnh ủy)…

Đột phá là làm đảo lộn nếp cũ, va chạm, thậm chí nhận thiệt thòi. Thiết nghĩ, người làm tuyên giáo cần bản lĩnh hơn để công tác tuyên giáo tiếp tục đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Cao Đức Hải

(Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/nganh-tuyen-giao-lao-cai-can-tiep-tuc-tao-khau-dot-pha-z1n20200731192411598.htm