Ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch: Tăng tốc, sáng tạo, nhanh chóng về đích

Sáng 17-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 với chủ đề 'Kỷ cương - Nêu gương - Trách nhiệm - Tinh gọn - Hiệu quả - Về đích'.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Hà Nội, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà và lãnh đạo các sở, ngành.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Bắt kịp đổi mới, vượt kế hoạch

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Hải Bình cho biết, năm 2025 là năm cuối để tăng tốc, bứt phá, hoàn thành việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác văn hóa, thể thao và du lịch đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ ưu tiên hàng đầu. Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035; tập trung hoàn thiện Đề án tổ chức “Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 – 02/9/2025)”; Đề án “Quốc tế hóa văn hóa bản sắc dân tộc, dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới”.

Lĩnh vực du lịch có sự tăng trưởng ấn tượng, tiếp tục là điểm sáng trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tổng lượng khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 10,6 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025 ước khoảng 518 nghìn tỷ đồng.

Các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được triển khai hiệu quả. Thể thao thành tích cao có bước khởi sắc. Công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có tín hiệu phát triển tích cực với nhiều sản phẩm, hoạt động văn hóa đặc sắc, sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình đánh giá kết quả đạt được trong nửa năm 2025. Ảnh: Trần Huấn

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình đánh giá kết quả đạt được trong nửa năm 2025. Ảnh: Trần Huấn

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Bộ VHTTDL cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong những tháng cuối năm. Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, thời gian tới, ngành VHTTDL sẽ tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện việc phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực của ngành khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ngoài ra, ngành VHTTDL sẽ tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035; Đề án “Quốc tế hóa Văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa Văn hóa quốc tế”; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức thành công Triển lãm thành tựu đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh và tổ chức tốt các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chương trình giải trí với nội dung tích cực, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và đoàn kết dân tộc, cùng các nhiệm vụ được giao tại Lễ duyệt binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Hà Nội đạt thành tích ấn tượng

Là trung tâm du lịch, văn hóa của cả nước, thành phố Hà Nội đóng góp tích cực trong phát triển chung của cả nước. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được thực hiện tốt. Các di tích như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long tổ chức tốt các hoạt động như tour đêm, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục thực hiện hiệu quả, lan tỏa giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Về hoạt động biểu diễn, Hà Nội đã tổ chức 1.290 buổi diễn văn hóa, nghệ thuật…, tạo nguồn thu lớn cho các lĩnh vực, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin hoạt động VHTTDL của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2025 tại đầu cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin hoạt động VHTTDL của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2025 tại đầu cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.

Lĩnh vực thể dục thể thao được tổ chức sâu rộng trong toàn dân; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực, các vận động viên Thủ đô đạt được 1.132 huy chương trong nước và quốc tế.

Về lĩnh vực du lịch, đồng chí Vũ Thu Hà thông tin, Hà Nội phát triển các tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có nhiều tuyến du lịch mới như: tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”, sản phẩm du lịch “Con đường đạo học” tại điểm du lịch Hạ Mỗ (xã Ô Diên), “Sắc hoa Tường Phiêu” (xã Phúc Thọ)… Trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội đã đón khoảng 15,56 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với năm 2024, trong đó có hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21,8%.

“Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành VHTTDL Hà Nội đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. GRDP ước tăng 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách đạt khoảng 410 nghìn tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2024”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là công tác phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình để kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Đồng chí Vũ Thu Hà kiến nghị 5 nội dung để lĩnh vực VHTTDL phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Tú.

Đồng chí Vũ Thu Hà kiến nghị 5 nội dung để lĩnh vực VHTTDL phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Tú.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ VHTTDL sớm ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ công trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của địa phương, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công.

“Bộ cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực VHTTDL theo mô hình chính quyền 2 cấp; phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, Bộ cần sớm trình Chính phủ các nghị định về hoạt động biểu diễn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương”, đồng chí Vũ Thu Hà kiến nghị.

Hợp lực, bứt tốc để về đích

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, cần phải làm từ bước nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp để tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại. Trong đó, các địa phương cần xác định rõ vai trò quản lý nhà nước, rà soát các thể chế, chính sách; đôn đốc việc tổ chức, kiến tạo không gian phát triển, đồng thời khẳng định năng lực quản lý, vận hành thông suốt.

Nhấn mạnh vai trò của ngành VHTTDL trong phát triển đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành đang quản lý một trong những động lực phát triển kinh tế, đó là du lịch. Chính vì thế, các tỉnh, thành phố, nhất là những trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… cần giữ vai trò là nhịp cầu kết nối; tổ chức các chuỗi cung ứng dịch vụ tại chỗ chất lượng, mới mẻ và hấp dẫn.

“Việc sắp xếp địa giới hành chính từ 63 tỉnh, thành còn 34 tỉnh, thành phố là cơ hội để “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam”, điều này cũng đặt ra những thách thức cho các địa phương cần xây dựng sản phẩm cốt lõi, kết nối điểm đến. Muốn vậy, các địa phương cần phải hợp lực để cùng bứt tốc và phát triển”, ông Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

Bên cạnh những thành tựu và cơ hội mới của ngành VHTTDL, ông Nguyễn Văn Hùng cũng nêu những khó khăn mà ngành đang đối diện. Một trong những thách thức là bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đã được ổn định nhưng nhiều phần việc vẫn còn phải hoàn thiện, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; công tác truyền thông cần có tính định hướng.

Xác định những công việc cần làm ngay trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, năm nay cả nước tập trung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2-9. Đây là dịp để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Toàn ngành VHTTDL và các địa phương phải phát huy các nguồn lực, lựa chọn các hoạt động, sự kiện để tổ chức, tham gia triển lãm với chủ đề “80 năm: Hành trình độc lập - tự do - hạnh phúc”.

“Tới đây, ngành VHTTDL cần tập trung toàn lực cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trong đó sẽ tổ chức các chương trình nghệ thuật, triển lãm, sản phẩm du lịch hấp dẫn, sáng tạo, sẵn sàng cao nhất phục vụ nhân dân và du khách”, ông Nguyễn Văn Hùng nêu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, riêng lĩnh vực du lịch trong thời gian tới cần tập trung chuyển hướng trong công tác xúc tiến, thay đổi cách làm trong hoạt động quảng bá, xây dựng sản phẩm, thu hút sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp. Đồng thời, du lịch Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, xác định rõ 10 thị trường trọng điểm để tập trung đầu tư. Ngành văn hóa cần có ngay đề án đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực biểu diễn để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa.

“Toàn ngành VHTTDL cần tập trung hợp lực, đoàn kết với phương châm Bộ hướng dẫn, Sở đồng hành vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nganh-van-hoa-the-thao-du-lich-tang-toc-sang-tao-nhanh-chong-ve-dich-709349.html