Ngành Vật lý kỹ thuật đón đầu xu thế, cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập hấp dẫn
Chương trình Vật lý kỹ thuật tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng định hướng đào tạo Vi mạch bán dẫn, Năng lượng tái tạo và Kỹ thuật hạt nhân.
Vi mạch bán dẫn, Năng lượng tái tạo và Kỹ thuật hạt nhân là những chuyên ngành có tiềm năng phát triển rất lớn ở Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn trong đó dự kiến có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế chip.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực ngày càng lớn của lĩnh vực này, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật. Đây là chương trình duy nhất tại miền Trung và Tây Nguyên, đào tạo các lĩnh vực: Vi mạch bán dẫn, Năng lượng tái tạo và Kỹ thuật hạt nhân.
Chương trình đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết: Khi xây dựng khung chương trình ngành Vật lý kỹ thuật nhà trường đã tham khảo khung chương trình liên quan của các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, cũng như lấy ý kiến của nhà tuyển dụng và được cải tiến thường xuyên 2 năm một lần.
Đồng thời, chương trình có sự liên kết, hợp tác đào tạo (thực hành, thực tập, giảng dạy chuyên đề) với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo và kỹ thuật hạt nhân như CAS, VinaGamma, FPT Semi,…
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức nhiều hội thảo về vi mạch bán dẫn với các chuyên gia đầu ngành.
Cũng theo thầy Hiếu, nhà trường rất chú trọng đến các hoạt động thực hành của sinh viên. Từ đó giúp các em có thể thành thạo các kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo đó, sinh viên được thực hành trên những thiết bị nghiên cứu hàng đầu Việt Nam như XRD, SEM, Raman, PL…
“Nhà trường còn hỗ trợ sinh viên tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kĩ năng như khóa Thiết kế vi mạch cơ bản (do NIC tổ chức) hay các khóa học ngắn hạn tại các trường đại học đối tác mà nhà trường liên kết.
Tại trường, sinh viên cũng có thể tham gia các buổi thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để áp dụng những kiến thức đã học tại lớp và làm quen với các thiết bị thí nghiệm. Sau khi đã thành thạo, sinh viên có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu cùng với giảng viên hoặc tự tiến hành các dự án nghiên cứu nhỏ dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong khoa.
Ngoài ra, các bạn có thể tham gia những cuộc thi khoa học kỹ thuật để thể hiện và thử thách kiến thức cũng như kỹ năng của mình hay các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, seminar để mở rộng kiến thức và mạng lưới quan hệ.
Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng thực hành, làm việc nhóm, tư duy nghiên cứu, từ đó nâng cao khả năng ứng dụng của mình sau này”, thầy Hiếu chia sẻ.
Chia sẻ về lộ trình học tập từng năm của ngành Vật lý kỹ thuật, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết: "Khi học ngành Vật lý kỹ thuật tại trường, sinh viên sẽ được đào tạo các môn đại cương cơ bản về Vật lý, Toán, Tin trong năm đầu tiên để có kiến thức nền tảng. Từ năm thứ 2 trở đi các bạn sẽ bắt đầu học các môn cơ sở ngành sâu hơn về Vật lý, lập trình.
Từ năm thứ 3 trở đi sinh viên sẽ bắt đầu học các môn chuyên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo và hạt nhân".
Để học tốt chương trình Vật lý kỹ thuật, theo thầy Hiếu, sinh viên cần chú trọng các nội dung sau:
“Lý thuyết cơ bản của Vật lý: Sinh viên cần hiểu vững lý thuyết cơ bản của Vật lý như cơ học, điện từ, nhiệt, quang học, lý thuyết mạch, vật lý bán dẫn…. Đây là nền tảng để hiểu và áp dụng vào các lĩnh vực kỹ thuật.
Ứng dụng trong kỹ thuật: Sinh viên cần hiểu cách áp dụng kiến thức Vật lý vào các lĩnh vực kỹ thuật như cơ khí, điện tử, vi mạch, hạt nhân, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin.
Thực hành và thí nghiệm: Việc thực hành và thí nghiệm là một phần quan trọng giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế và phát triển kỹ năng thực hành.
Kỹ năng tính toán và phân tích: Sinh viên cần có khả năng sử dụng công cụ toán học và phân tích để giải quyết các vấn đề liên quan đến Vật lý kỹ thuật.
Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp; Nghiên cứu và phát triển công nghệ".
Bạn Nguyễn Tuấn Thiện, sinh viên năm 2 ngành Vật lý kỹ thuật, từng giành học bổng khóa học Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn FPT cho hay: Khi lựa chọn ngành học vào đại học, giữa muôn vàn sự lựa chọn ngành Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã hấp dẫn em bởi chương trình rất đa dạng và chuyên sâu.
“Ngành Vật lý kỹ thuật tại trường bao gồm 3 chuyên ngành chính: Vi mạch bán dẫn, Kĩ thuật hạt nhân và Năng lượng tái tạo.
Đối với chuyên ngành Vi mạch bán dẫn, sinh viên chúng em may mắn được học tập các khóa đào tạo chuyên sâu về VLSI (Very Large Scale Integration) từ NIC (Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam) phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức TreSemi và Tập đoàn Cadence - những đơn vị hàng đầu về thiết kế chip. Điều này giúp chúng em nâng cao kiến thức, khả năng làm việc nhóm với các bạn, kỹ năng thực hành trong lĩnh vực vi mạch tiên tiến nhất hiện nay. Đặc biệt là trong thời gian sắp tới chính phủ sẽ tạo điều kiện và cung cấp cho các hoạt động về vi mạch bán dẫn trên cả nước thì đây quả là cơ hội hết sức tuyệt vời để chúng em có thể tiếp xúc sớm và làm quen dần với các kiến thức không hề đơn giản.
Chuyên ngành Năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực rất tiềm năng và được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Khi học ngành này, em được tìm hiểu các kiến thức chuyên sâu về các nguồn năng lượng mới, sạch như: điện gió, điện mặt trời, nhiệt địa nhiệt, sinh khối,... cùng các công nghệ khai thác, chuyển đổi và sử dụng hiệu quả những nguồn năng lượng này.
Chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân cũng là một lĩnh vực quan trọng, liên quan đến nhiều ứng dụng trong y tế, công nghiệp và nghiên cứu khoa học. Ở trường em được đào tạo các kiến thức nền tảng về vật lý hạt nhân, thiết kế lò phản ứng hạt nhân, an toàn bức xạ, cũng như các ứng dụng công nghệ hạt nhân vào cuộc sống”.
Sau 2 năm theo học ngành này tại trường, nam sinh cảm thấy vô cùng hài lòng với chương trình đào tạo, sự tận tâm của các giảng viên cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
“Trong quá trình học em cảm thấy rất hài lòng về chất lượng đào tạo của trường. Nhà trường có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, tận tâm và cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại đạt chuẩn quốc gia. Sinh viên chúng em luôn được thúc đẩy tinh thần ham học hỏi, khám phá và nghiên cứu để phát triển năng lực chuyên môn.
Em tin tưởng rằng, với kiến thức chuyên sâu và nền tảng thực hành vững chắc, sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật sẽ trở thành những kỹ sư, nhà khoa học tài năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trên các lĩnh vực công nghệ vi mạch, năng lượng sạch và ứng dụng hạt nhân”, nam sinh bày tỏ.
Cũng theo cậu bạn, ngoài những kiến thức trên sách vở thì sự thực nghiệm cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của Vật lý áp dụng vào đời sống.
“Ở tại khoa chúng em đã được tham quan, tham gia và thực hành với các công ty về vi mạch, công ty về Năng lượng mặt trời (CAS, EPC Solar) từ năm đầu. Qua đó cũng góp phần tạo nên sự dạn dĩ của từng sinh viên khi tiếp xúc với những thứ mới lạ”, nam sinh cho biết thêm.
Ngành học đón đầu xu thế, cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập hấp dẫn
Tiến sĩ Cao Văn Chung - Phụ trách cơ sở Chiếu xạ Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) khẳng định, ngành Vật lý kỹ thuật có tiềm năng rất lớn và cơ hội việc làm đa dạng, nhất là ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, số lượng nhân lực trong ngành này đang thiếu rất nhiều. Do vậy, Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ cũng rất kỳ vọng khi Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật.
“Lĩnh vực Vật lý liên quan đến hạt nhân ở miền Bắc và miền Nam đã đào tạo khá phổ biến nhưng ở miền Trung thì gần như chưa có cơ sở nào đào tạo chính quy. Trong khi đó, ứng dụng về năng lượng nguyên tử nói chung, ở miền Trung nói riêng lại rất đa dạng; từ trong bệnh viện, quan trắc môi trường, ứng dụng trong sinh học, công nghiệp kỹ thuật thăm dò, kiểm tra, đánh giá, kỹ thuật… Thế nhưng sinh viên muốn học lại phải vào miền Nam hoặc ra miền Bắc học hay phải đi du học.
Ngoài ra cũng có thêm một vấn đề nữa là khi đào tạo xong ở miền Nam và miền Bắc thì các bạn cử nhân sau khi ra trường lại có xu hướng là ở lại thành phố làm việc, không về miền Trung công tác. Chính vì thế khi Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng mở ngành này tôi rất vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng. Bởi hiện nay, ở địa phương cũng có thể đào tạo một ngành đi vào phục vụ cho ứng dụng năng lượng nguyên tử tại miền Trung”, ông Chung bày tỏ.
Cũng theo Tiến sĩ Cao Văn Chung, cơ hội việc làm của ngành này rất đa dạng. Ở miền Trung các bạn có thể làm việc tại trung tâm điều trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế với các vị trí như kỹ sư vật lý y khoa phục vụ, hỗ trợ xạ trị, chụp CT, chụp X-Quang... Các bạn cũng có thể làm việc trong lĩnh vực môi trường như: quan trắc môi trường... Trong lĩnh vực sinh học thì có thể làm việc trong ngành chọn giống, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, hay nghiên cứu trong các công ty, trung tâm. Thực tế ngành Vật lý kỹ thuật ứng dụng công nghiệp hạt nhân rất rộng. Đặc biệt ở miền Trung ngành nghề liên quan đến ứng dụng năng lượng nguyên tử có cơ hội việc làm rất lớn, các bạn sẽ không sợ thất nghiệp.
“Mức thu nhập của các cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật sau khi ra trường phụ thuộc vào vị trí việc làm và đơn vị mà các bạn theo đuổi. Như trung tâm là đơn vị sự nghiệp thì lương của các bạn ít nhất cũng từ 8 triệu đồng trở lên đối với miền Trung. Còn các bạn làm ở Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh miền Nam, mức thu nhập có thể cao hơn. Hoặc nếu các bạn làm ở các công ty nước ngoài thì mức lương sẽ cao hơn rất nhiều”, Tiến sĩ Cao Văn Chung tiết lộ mức lương của sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý kỹ thuật tại Đà Nẵng có nhiều cơ hội việc làm và tiềm năng thu nhập tương đối cao, nhất là khi kinh tế và công nghiệp địa phương đang phát triển. Theo đó, cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật ra trường có thể làm việc tại các vị trí:
Trong các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất: Đà Nẵng đang trở thành trung tâm công nghiệp và công nghệ, với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và gia công, đặc biệt trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng đang trở thành trung tâm vi mạch của cả nước và sẽ rất phát triển sau khi Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do. Các doanh nghiệp này thường cần các chuyên gia về Vật lý kỹ thuật để tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, và quản lý chất lượng.
Việc làm trong lĩnh vực năng lượng và môi trường: Ngành năng lượng tái tạo và môi trường đang phát triển mạnh mẽ tại Đà Nẵng, tạo ra cơ hội việc làm cho các chuyên gia về vật lý kỹ thuật có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này.
Việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông: Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông đang trở thành một điểm nóng tại Đà Nẵng. Các chuyên gia về Vật lý kỹ thuật có thể tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ mới, từ viễn thông đến phát triển phần mềm và ứng dụng.
Việc làm trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu: Trường đại học và Viện nghiên cứu tại Đà Nẵng cũng cần các giảng viên và nhà nghiên cứu chất lượng trong lĩnh vực vật lý.
Để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, Tiến sĩ Cao Văn Chung dành lời khuyên cho các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cần chú trọng đến các kỹ năng: “Đầu tiên, các bạn cần nắm được những kiến thức cơ bản về Vật lý hạt nhân đã được các thầy cô truyền đạt trong nhà trường. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, ngành này cũng rất phát triển nên các bạn cần nắm bắt công nghệ mới, khả năng làm việc nhóm và đặc biệt là phải đọc được tài liệu nước ngoài, ngoại ngữ tốt.
Ngoài nắm vững các kiến thức cơ bản tại trường, khi đi làm các bạn cũng cần học tiếp tại vị trí việc làm của mình. Khi bạn đã nắm được nội hàm, những các kiến thức thầy cô giảng thì khả năng nắm bắt, thích nghi vào thực tế sẽ rất nhanh”.
Ngành học quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý kỹ thuật là một trong những ngành học không thể thiếu, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Đà Nẵng đang trở thành trung tâm vi mạch của Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong tương lai rất cao (khoảng 50.000 nhân lực đến năm 2030). Vì vậy ngành Vật lý kỹ thuật được đào tạo nhằm đáp ứng sự phù hợp với xu hướng phát triển của thành phố.
Những chuyên ngành mà ngành Vật lý kỹ thuật đào tạo đều thuộc những ngành được Nhà nước tập trung đầu tư phát triển trong tương lai (vi mạch, năng lượng tái tạo và hạt nhân), đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính vì thế, nhà trường cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo học ngành Vật lý kỹ thuật. Cụ thể, thí sinh có điểm trúng tuyển, nhập học từ 21 điểm (theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) trở lên vào các ngành cử nhân được xét trao 10 suất học bổng (giảm 50% học phí toàn khóa).
Thí sinh trúng tuyển các ngành trình độ đại học: được phép học các học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ trong quá trình học đại học và công nhận chuyển đổi khi trúng tuyển đầu vào các ngành trình độ thạc sĩ tương ứng; Thí sinh trúng tuyển, nhập học đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức) hoặc tương đương (không tính giải cuộc thi khoa học kỹ thuật): được xét trao 05 suất học bổng (10 triệu đồng/suất).
Nhà trường có nhiều chính sách ưu đãi học bổng cho tân sinh viên.
Bên cạnh đó, các bạn còn có cơ hội học tập sau đại học theo chương trình liên kết với các trường đại học tại Đài Loan, giúp nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại. Theo đó, giảng viên của khoa Vật lý trên 90% thầy cô có trình độ tiến sĩ, được đào tạo tại các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.
Khoa Vật lý cũng ký kết với các doanh nghiệp và viện nghiên cứu trên địa bàn Đà Nẵng và các trường đại học uy tín như NTNU (Đài Loan), Mingchi University of Technology (Đài Loan) , Hankuk University (Hàn Quốc), Korea University (Hàn Quốc), Osaka University (Nhật Bản),…