Ngành xây dựng đẩy mạnh chuyển đổi số

Thông tin trên được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo 'Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành xây dựng', diễn ra tại TP HCM trong chiều 16/12.

Ông Trần Văn Giang – TS. chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, giảng viên Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) khẳng định: “Ngành xây dựng đóng góp từ 20 - 25% GDP của cả nước. Tuy nhiên, 2 năm qua ngành này bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn”.

Theo TS. Trần Văn Giang, đến thời điểm này ngành xây dựng chưa hết khó khăn, song ngành này tiếp tục đứng trước yêu cầu mới, đó là chuyển đổi số. Doanh nghiệp xây dựng cần sớm chuyển đổi số để bắt nhịp với sự phát triển chung.

Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng số hóa trong xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng số hóa trong xây dựng.

Ông Trần Xuân Hà – Phó Chủ tịch Phân hội gốm sứ xây dựng Miền Nam cho rằng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, có nhiều ngành đang bắt đầu chuyển đổi số và doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng không nằm ngoài “dòng chảy” chung. Doanh nghiệp ngành xây dựng cũng sẽ chuyển đổi số trong kinh doanh nhằm phát triển hiệu quả và hội nhập sâu rộng.

Liên quan đến chuyển đổi số trong ngành, bà Đinh Thị Mỹ Bình – Giám đốc Công ty Cổ phần Valenta, trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết, chuyển đổi số trong ngành xây dựng là thuật ngữ khá mới mẻ.

“Có thể nhiều doanh nghiệp sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn và không biết sẽ bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Ngành xây dựng mong đón nhận sự chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức của các chuyên gia để doanh nghiệp ứng dụng lý thuyết và thực tế, thực hành tốt hơn”.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Bình, hiện tại đơn vị cũng đang thực hiện chuyển đổi số. Mong sự chuyển đổi của doanh nghiệp mang lại sự trải nghiệm tốt cho khách hàng, đồng thời tăng giá trị cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, số hóa quy trình công việc đem lại nhiều lợi ích đáng kể. Trong một dự án xây dựng đường hầm của Mỹ với sự tham gia của hơn 600 nhà cung cấp, thầu phụ – 1 con số khổng lồ. Chủ đầu tư đã phát triển một giải pháp nền tảng duy nhất để hợp nhất các quá trình đấu thầu, quản lý hợp đồng và khối lượng thi công. Điều này đã giúp tiết kiệm hơn 20 giờ nhân viên mỗi tuần, cắt giảm 75% thời gian tạo báo cáo và tăng tốc độ truyền tài liệu lên 90%.

Một trường hợp khác, một dự án đường sắt trị giá 5 tỷ USD đã tiết kiệm được hơn 110 triệu USD và nâng cao năng suất bằng cách sử dụng quy trình công việc tự động để xem xét và phê duyệt đề xuất, đề nghị, giấy tờ.

Các doanh nghiệp vật liệu ngày càng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Các doanh nghiệp vật liệu ngày càng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Viện toàn cầu McKinsey ước tính, thế giới sẽ cần chi 57 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng vào năm 2030 để theo kịp tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Đây là một động lực to lớn cho các công ty trong ngành xây dựng để xác định các giải pháp nhằm chuyển đổi năng suất và phân phối dự án thông qua các công nghệ mới với các phương pháp cải tiến hơn.

Nhận thức rõ hiệu quả của chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã có Quyết định về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên quan điểm: Chuyển đổi số ngành xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nganh-xay-dung-day-manh-chuyen-doi-so-5705066.html