Ngành xuất bản chật vật đối phó với sách lậu, sách giả

Trong và sau đại dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội đã tác động thị trường xuất bản dẫn đến thay đổi lớn trong thói quen mua sách, đó là số lượng sách được bán online tăng lên chóng mặt.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số đơn vị làm xuất bản tại hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống” được tổ chức gần đây, thì số lượng sách mà các đơn vị bán ra thị trường không những không tăng lên mà thậm chí còn giảm xuống. Nguyên nhân được cho là do sách giả, sách lậu được bán tràn lan trên mạng, thậm chí len vào cả các sàn thương mại điện tử uy tín.

Sách giả được in ấn ngày càng tinh vi khiến độc giả khó phân biệt thật - giả

Sách giả được in ấn ngày càng tinh vi khiến độc giả khó phân biệt thật - giả

Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống” được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hội Xuất bản Việt Nam đồng chủ trì tổ chức cuối tháng 6 vừa qua đã phần nào nói lên bức tranh toàn cảnh của thị trường xuất bản. Tại hội thảo này, các đơn vị làm xuất bản có cơ hội nói lên những bức xúc của mình khi thường xuyên có sách bị in lậu, làm giả trong những năm qua như: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, NXB Giáo dục, NXB Trẻ, Công ty Cổ phần sách Alpha, Công ty Cổ phần sách Thái Hà…Theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến 2023, đã phát hiện trên 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Hồi giữa tháng 6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và Nhà xuất bản Giáo dục tiến hành bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in số 297 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Các xưởng gia công sách giả tại số 315 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai và thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội của Công ty cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát tại số 14 ngõ 197 Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả với số lượng rất lớn, có tổ chức bài bản, đầu tư công nghệ in ấn và 3 dây chuyền máy in offset và nhiều máy gia công sách giả.

Còn nhớ hồi đầu năm 2023 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã điều tra và khởi tố vụ án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là sách lậu với số lượng được cho là lớn nhất từ trước tới nay (khoảng hơn 100 tấn) của nhóm đối tượng thực hiện trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội. Các chủng loại sách được các đối tượng làm giả là khoảng 400 đầu sách thuộc bản quyền của rất nhiều đơn vị làm xuất bản với các đầu sách đang thịnh hành trên thị trường như: “Đắc nhân tâm”, “Trí tuệ do thái”, “Đọc vị bất kỳ ai”, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, “Muôn kiếp nhân sinh”… Quá trình điều tra, phá án, cơ quan công an thu ngoài thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn còn có 2 máy in 4 màu và 1 màu, 37 máy photocopy, 6 máy cắt, 10 máy bìa, 1 máy ra kẽm, 2 hệ thống cắt gập (2 máy gấp, 2 máy cán) 200 bản kẽm. Vụ án này từng gây “chấn động” trong giới xuất bản bởi số lượng đầu sách vi phạm, khối lượng sách giả bị thu giữ cũng như thủ đoạn tinh vi nhằm “qua mắt” cơ quan chức năng, che giấu tung tích để lừa dối khách hàng như: các cơ sở gia công được che giấu, ngụy trang kỹ càng, chia nhỏ các công đoạn gia công ở nhiều địa điểm cách xa nhau... Theo đại diện NXB Trẻ, chỉ tính riêng trong vụ việc này, đơn vị đã có tới 26 tựa sách bị in lậu, làm giả với thiệt hại ước tính không hề nhỏ.

Cơ quan chức năng kiểm tra một kho chứa sách giả thuộc đường dây sản xuất và tiêu thụ hơn 100 tấn sách giả đã bị khởi tố

Cơ quan chức năng kiểm tra một kho chứa sách giả thuộc đường dây sản xuất và tiêu thụ hơn 100 tấn sách giả đã bị khởi tố

Theo chia sẻ của bà Vũ Thủy - Giám đốc bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Books): “Trong 16 năm thành lập và phát triển Thái Hà Books luôn mạnh mẽ phản đối và lên án các hành vi vi phạm bản quyền, in lậu làm giả xuất bản phẩm. Bản thân Thái Hà cũng là nạn nhân và đang phải đối mặt với hệ quả của các hành vi vi phạm đó. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật in ấn, sao chép, cũng như hệ thống tiếp cận độc giả bằng công nghệ 4.0 trên tất cả các nền tảng số các hành vi vi phạm trở nên tinh vi hơn, và việc nhận diện hành vi cũng khó khăn hơn. Sau đại dịch COVID-19 thói quen và hành vi mua hàng của bạn đọc đã thay đổi từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử hoặc các fanpage. Lợi dụng việc không thể kiểm tra sách trực tiếp, kiểm tra xuất xứ các ấn phẩm, các đối tượng kinh doanh đã bán sách giả thay vì sách thật. Chúng tôi đo lường được số lượng sách bán của những đầu sách bán chạy đã giảm 40% so với trước 2020 và có hơn 100 đầu sách đang bị in lậu, chiếm 60% số đầu sách bán chạy của Thái Hà…”.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, hoạt động in lậu, làm sách giả, vi phạm bản quyền và quyền tài sản của các tác giả, nhà xuất bản, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành đã diễn ra trong thời gian dài, với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp hơn. Nếu như trước đây, hoạt động in lậu, làm giả sách chủ yếu xảy ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rồi đưa đi các địa phương tiêu thụ, thì hiện nay hoạt động này đã bị cơ quan chức năng phát hiện tại nhiều tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị… TS. Hoàng Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ kế hoạch và Thư ký biên tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tại Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống” cho rằng: “Nếu như nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu", nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Trước đây mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép. Thực tế, với sự phát triển của công nghệ in ấn hiện nay, có cuốn sách bán chạy vừa ra mắt buổi sáng, thì đến chiều sách giả đã được rao bán tràn lan trên thị trường. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trên không gian mạng, các xuất bản phẩm bị sao chép, sử dụng sai mục đích ngày càng trở nên phức tạp hơn. Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Philippin về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng số 1, với khoảng 15,5 triệu người, xem bất hợp pháp…”.

Cũng theo TS. Hoàng Mạnh Thắng, trong những năm qua NXB Chính trị quốc gia Sự thật, đã có nhiều đầu sách bị in lậu như các loại sách giáo trình, tài liệu học tập nghị quyết của Đảng, các sách luật đơn hành, sách hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản pháp luật, đặc biệt là những cuốn sách hỏi-đáp, bình luận, nghiên cứu, tham khảo pháp luật… Nhiều đầu sách của Nhà xuất bản bị in lậu bằng công nghệ cao như các loại sách luật, sách giáo trình, tài liệu học tập nghị quyết, tài liệu bồi dưỡng nhận thức về Đảng khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật, giả.

Là một người kiên cường trong việc đấu tranh với sách lậu, sách giả suốt hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News từng nhiều lần vào Nam ra Bắc để theo dõi hành tung của các cơ sở in lậu, từng gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề tố cáo hành vi vi phạm của các đơn vị cá nhân mà ông đã thu thập được thông tin, hình ảnh, bằng chứng và đề nghị khởi tố hình sự các đối tượng này chia sẻ: “Năm 2011, First News đã trực tiếp theo dõi và phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) đột kích phá án vụ án in lậu sách với số lượng lên đến hơn 10 ngàn bản, bao gồm nhiều tựa sách bán chạy như: “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “Bảy thói quen cho bạn trẻ thành đạt”... tại cơ sở gia công Huy Thi nằm trong khu tập thể nhà máy in Bộ Tổng tham Mưu ở Ngọc Hồi - Thanh Trì - Hà Nội. Đây là sự kiện chấn động ngành sách thời bấy giờ, được Đài truyền hình Quốc gia VTV và hàng chục nhà báo chứng kiến, đưa tin. Hay gần đây là cuộc chiến chống sách giả chưa có hồi kết giữa First News với sàn thương mại điện tử Lazada. Hồi tháng 9/2020, First News đã tổ chức buổi họp báo công bố những bằng chứng cho thấy các gian hàng trên sàn Lazada bán sách “Muôn kiếp nhân sinh” giả, cũng như một số đầu sách khác của First News với giá rẻ hơn từ 48% đến 50%. Sau đó khởi kiện sàn thương mại điện tử Lazada ra tòa nhưng câu chuyện đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. First News vẫn luôn cố gắng không ngừng trong cuộc chiến “làm sạch” ngành sách, dù chúng tôi biết đây là một hành trình không hề dễ dàng, thậm chí là đơn độc. Vì thế, gần đây hành vi in lậu, làm giả sách đã bị khởi tố hình sự thực sự là một tín hiệu thật sự đáng mừng đối với các các đơn vị làm xuất bản chân chính”.

Trong những năm qua, rất nhiều biện pháp phòng chống sách lậu, sách giả được các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách áp dụng để đối phó với vấn nạn này như dán tem chống hàng giả, in mã số - mã vạch, tem xác thực điện tử... Tuy nhiên, các biện pháp này ít phát huy tác dụng khi độc giả lựa chọn phương pháp mua hàng trực tuyến. Trước đây, hành vi in lậu, làm giả sách chỉ bị phạt hành chính và thu giữ tang vật nên chỉ sau một thời gian đâu lại vào đó nên mới có chuyện có những đầu nậu cứ nộp phạt rồi lại tái phạm hành vi này. Chỉ đến khi cơ quan chức năng bắt đầu khởi tố hình sự hành vi này về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự thì xem ra mới khiến các tổ chức, cá nhân “chùn tay” khi có thể đối mặt với hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, thậm chí sẽ là từ 7 năm đến 15 năm. Chắc hẳn với các biện pháp “mạnh tay” của cơ quan chức năng cũng như các nhà quản lý, môi trường xuất bản - phát hành sách sẽ được lập lại trật tự và trở nên trong sạch, văn minh hơn.

Nguyệt Hà

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nganh-xuat-ban-chat-vat-doi-pho-voi-sach-lau-sach-gia-i701795/