Ngành xuất bản vẫn...'đau đầu' với nạn sách giáo khoa giả

Năm học mới 2024-2025 dù còn khoảng một tháng rưỡi nữa mới bắt đầu nhưng việc 'làm sạch' thị trường sách giáo khoa cũng như tìm mua sách giáo khoa sao cho chuẩn, không mua phải sách giả không chỉ làm 'đau đầu' các bậc phụ huynh mà ngành xuất bản cũng đang căng mình để đảm bảo một thị trường sách giáo khoa chất lượng cho năm học mới.

Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng. Đây là vụ việc kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến sách giáo khoa lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Chiêu trò phức tạp, gây tổn thất lớn

Theo đó, kết quả ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, hoạt động kinh doanh tại địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa không số nhà, không treo gắn bảng hiệu. Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hàng trăm đầu sách giả đã bị các lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện và thu giữ suốt thời gian qua.

Hàng trăm đầu sách giả đã bị các lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện và thu giữ suốt thời gian qua.

Còn nhớ hồi tháng 6, một đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn vừa được Công an Đà Nẵng phát hiện. Qua quá trình điều tra, đường dây đã sản xuất, tiêu thụ khoảng 4 triệu cuốn sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện rất nhiều các máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất sách giả cùng hàng triệu con tem giả, hơn 600.000 sản phẩm, bán thành phẩm là sách giả.

Tại nhà sách Tiến Thọ (Xuân Thủy – Cầu Giấy, Hà Nội), một bà mẹ đang cùng con lựa chọn sách chia sẻ với VnBusiness: Năm ngoái con tôi vào lớp 1, đó cũng là lần đầu tiên tôi phát hiện mình đã mua phải sách giả, cảm giác thật sự rất thất vọng. Tôi mua cuốn sách từ một cửa hàng trực tuyến với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Ban đầu, tôi không nghĩ nhiều, nhưng khi nhận được sách, tôi ngay lập tức nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Chất lượng giấy và in ấn rất kém, và bìa sách trông rất mỏng manh.

Theo các chuyên gia, tình trạng sách, sách giáo khoa giả mạo có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục. Trước hết, các sách giả mạo thường có nội dung không chính xác, bị sai lệch hoặc thiếu sót, dẫn đến việc học sinh tiếp nhận kiến thức không đúng đắn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và quá trình phát triển tư duy của học sinh.

Các đối tượng bán sách giả, sách lậu thường lựa chọn những đầu sách được in ấn đơn giản, không công phu, ít ảnh. Các thể loại sách được in lậu thường là sách kinh tế, tâm lý, self-help... Trước đây, sách lậu thường được rao bán thông qua các hình thức "kho sách", "sách xả kho", "sách thanh lý”... Hiện nay, sách lậu lại được rao bán nhiều theo kiểu trao tay giữa người đọc với nhau, với nhiều lý do như "đọc rồi muốn thanh lý bớt", "chuyển chỗ ở", "muốn bán bớt để mua sách mới"...

Ông Trần Hữu Linh (Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, sách in lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, các NXB, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả.

Tăng cường kiểm soát và quản lý

Theo thống kê, chỉ riêng Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 - 2023 đã phát hiện hơn 3,3 triệu quyển sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chia sẻ với VnBusiness, đại diện Công ty cổ phần Time Books cho biết, thời gian qua, việc đánh cắp bản quyền, giả mạo các đầu sách xảy ra rất nhiều và tinh vi, Time books đã phát triển một hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt nhằm phát hiện và ngăn chặn các sản phẩm giả mạo từ giai đoạn sản xuất cho đến khi đến tay người tiêu dùng. Hệ thống này bao gồm việc kiểm tra các mã số nhận diện bản quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, lực lượng chức năng khuyến cáo phụ huynh và các em học sinh khi lựa chọn mua sách giáo khoa để học nên lựa chọn địa điểm kinh doanh uy tín, và chú ý mặt trước có in “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam”, mặt sau của trang bìa sách giáo khoa có tem chống giả.

“Để tránh mua phải sách giả, người tiêu dùng nên chú ý kiểm tra nguồn gốc và nhà xuất bản của sách, ưu tiên mua từ các nhà sách uy tín hoặc nền tảng trực tuyến đáng tin cậy. Hãy so sánh giá sách, vì sách giả thường có giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Xem xét chất lượng in ấn của sách, chẳng hạn như giấy và bìa sách, vì sách giả thường có chất lượng thấp. Ngoài ra, kiểm tra các dấu hiệu nhận diện như mã vạch hoặc tem chống giả nếu có. Nếu phát hiện sách giả, hãy báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc nhà xuất bản”, luật sư Phạm Đức Mạnh cho biết.

Theo ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông), nạn sách giả, sách lậu đã tồn tại hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây dựa trên công nghệ và các nền tảng xuyên quốc gia, ngành xuất bản vẫn tiếp tục đau đầu với thực trạng sách giả, sách lậu. Hiện đang có khoảng trống nhất định về mặt pháp lý, thêm vào đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng đấu tranh với sách giả, sách lậu.

Để giải quyết vấn đề sách giáo khoa giả mạo, cần có những biện pháp kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan chức năng. Trước hết, cần tăng cường các cuộc kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa. Việc phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm sẽ giúp răn đe và ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.

Hơn nữa, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng sản xuất và tiêu thụ sách giả mạo. Các hình phạt cần đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các nhà xuất bản và cơ sở sản xuất sách chính hãng để đảm bảo cung cấp đủ sách giáo khoa chất lượng cho học sinh.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đang áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ bản quyền, như: sử dụng công nghệ, thiết lập nhiều kênh kết nối trực tiếp với các nền tảng công nghệ để khi có những dấu hiệu của việc vi phạm bản quyền, sẽ rút các cửa hàng, cá nhân bán sản phẩm đó khỏi các nền tảng. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông còn tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị liên quan đến việc bán sách trên các kênh thương mại điện tử.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nganh-xuat-ban-van-dau-dau-voi-nan-sach-giao-khoa-gia-1101178.html