Ngành Xuất bản Việt Nam cần thay đổi gì trong thời đại 4.0?
Sự kết hợp giữa xuất bản truyền thống và công nghệ mới sẽ giúp ngành Xuất bản tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển.
Hôm nay (12/7), Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023 – 2028 sẽ diễn tại Hà Nội với chủ đề Hội Xuất bản Việt Nam, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Phóng viên VietNamNet có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books, Ủy viên Ban Chấp hành Khóa III Hội Xuất bản Việt Nam.
- Thành tựu lớn nhất của ngành Xuất bản những năm qua là gì, thưa ông?
Hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Xuất bản Việt Nam vượt nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong 2 năm dịch Covid-19. Thành tựu của ngành, theo tôi có 5 vấn đề nổi bật.
Thứ nhất, nội dung và hình thức sách được phát triển, các dòng sách chất lượng cao, sách giới hạn, sách đặc biệt… được chú trọng.
Thứ hai, các đơn vị xuất bản Việt Nam đã tích cực tham gia triển lãm xuất bản quốc tế, hội chợ sách quốc tế. Ngành Xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội Xuất bản ASEAN (ABPA), góp phần đắc lực vào hoạt động thông tin đối ngoại, đưa sách báo Việt Nam đến với thế giới.
Thứ ba, công nghệ xuất bản và in đang tiếp cận với những công nghệ tiên tiến. Ngành ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác biên tập bản thảo, đầu tư nhiều thiết bị thuộc các thế hệ mới, giúp tăng năng suất lao động.
Thứ tư, ngành đã chuyển dịch từ xuất bản truyền thống sang điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để truyền bá tri thức và tiếp cận với nội dung mới.
Thứ năm, các kênh phân phối sách được mở rộng, từ cửa hàng sách truyền thống đến các kênh trực tuyến như website và ứng dụng di động. Điều này tạo ra sự đa dạng trong việc tiếp cận sách và tăng cơ hội tiếp cận nội dung xuất bản cho độc giả.
- Là người đi nhiều, nhìn từ các hội sách quốc tế, ông suy nghĩ gì về ngành Xuất bản Việt Nam?
Tôi từng tham dự Hội sách quốc tế Malaysia lần thứ 40 và Hội sách Bản quyền ASEAN lần thứ nhất tại thủ đô Kuala Lumpur.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đến tham gia lễ khai mạc. Ông đánh giá cao và chúc mừng Bộ Giáo dục Malaysia, Ủy ban Sách quốc gia, Hội Xuất bản Malaysia với tư cách là ban tổ chức. Ông trực tiếp kêu gọi người dân Malaysia cùng tham gia đọc sách và thực hành.
Với quyết tâm này, Thủ tướng Malaysia tin rằng đất nước có thể tiến tới xây dựng một xã hội văn minh.
Tham luận tại Hội sách Malaysia 2023 vừa qua, tôi tiếp tục nhấn mạnh khẩu hiệu đã nêu ra năm 2014 tại Jakarta trong Hội nghị Hiệp hội Xuất bản ASEAN là “ONE ASEAN” - xuất bản ASEAN phải là một khối thống nhất.
Nay tôi đề xuất kết nối ngành Xuất bản Việt Nam thành một khối, không phân biệt địa lý, vùng miền, điều kiện vật chất, hoàn cảnh. Cùng chung tay, chung tâm để mang lại lợi ích cho từng thành viên của Hội Xuất bản Việt Nam và cho cả Hội.
Cũng trong Hội sách Malaysia, tôi nhấn mạnh ý tưởng là Giải thưởng Sách ASEAN. Châu Âu vẫn trao giải sách thường niên của khối, chúng ta nên học.
Hiện nay, Việt Nam đã có Giải thưởng sách quốc gia uy tín, tuy nhiên doanh thu từ các cuốn sách được giải tăng chưa xứng đáng. Tôi đề nghị Hội cần đẩy mạnh truyền thông, tìm cách để các thư viện, cơ quan nhà nước và tư nhân, trường học… đặt mua.
Nhà nước cũng cần đặt mua những cuốn sách được giải như một sự động viên khích lệ và đánh giá công sức của cả tập thể đơn vị sách được nhận giải.
Tại Hội sách Malaysia, tôi cũng đã trình bày ý tưởng triển khai đồng loạt tại tất cả các nước ASEAN chương trình Khuyến đọc - Reading promotion.
Tại Việt Nam, Hội Xuất bản cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, cách triển khai khuyến đọc.
Tại Hội sách Malaysia, ban tổ chức có khu trưng bày sách mẫu và mời lãnh đạo các thư viện đến tham quan. Từ đó, người đứng đầu các thư viện chọn sách để mua.
Bộ Giáo dục Malaysia, cơ quan chủ quản của ngành Xuất bản cũng thuê xe cho học sinh 1.000 trường học về tham quan hội sách, vừa truyền thông tăng hiểu biết cho các em, tăng doanh thu bán sách. Chúng ta cũng nên tìm cách học hỏi những kinh nghiệm quý báu này.
Nhiều nước ASEAN, trong đó có Malaysia và Indonesia luôn tổ chức các đoàn đi hội sách lớn nhất thế giới như Frankfurt, London, Bologna… Trong đó, nhà nước chi trả toàn bộ chi phí thuê các gian hàng, chi phí vé máy bay, ăn ở đi lại.
Việt Nam chưa có những chính sách hỗ trợ như vậy nhưng ít nhất nên tổ chức các đoàn đi dự hội sách, hội thảo, hội nghị quốc tế. Trong đó, các đơn vị tự bỏ chi phí. Hội nên đứng ra tổ chức, kết nối để đoàn Việt Nam đoàn kết, hiệu quả.
- Để mang lại lợi ích cho mỗi đơn vị xuất bản, theo ông Hội Xuất bản Việt Nam ở nhiệm kỳ tiếp theo cần phải làm gì?
Tôi nghĩ, Hội Xuất bản Việt Nam cần làm ngay 8 việc:
Thứ nhất, phát triển sách trực tuyến và ứng dụng đa phương tiện. Điều này sẽ cung cấp nội dung văn hóa đa dạng và tương tác thông qua ứng dụng di động, website, các nền tảng trực tuyến khác. Tích hợp âm thanh, hình ảnh, video và các phương tiện khác để tạo ra trải nghiệm đa phương tiện cho độc giả.
Thứ hai, cần xây dựng cộng đồng đọc sách trực tuyến để tạo ra môi trường kết nối giữa tác giả - nhà xuất bản - độc giả. Tạo điều kiện và liên kết các đơn vị, cá nhân triển khai hoạt động khuyến đọc trong cộng đồng, thúc đẩy thực hiện nhiều chuỗi hoạt động khuyến đọc trên cả nước.
Thứ ba, sử dụng công nghệ tương tác và thực tế ảo để tạo ra các trải nghiệm độc đáo cho độc giả. Ví dụ, cung cấp sách số có tích hợp các phần tương tác hoặc thực tế ảo, cho phép người đọc tương tác với nội dung trong sách.
Thứ tư, tận dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu để hiểu rõ hơn về người đọc, từ đó cung cấp nội dung tùy chỉnh và gợi ý sách phù hợp với từng độc giả.
Thứ năm, xây dựng hệ thống bảo vệ bản quyền và kiểm soát nội dung để đảm bảo quyền lợi của tác giả và ngành Xuất bản. Cần có những chế tài cụ thể đối với từng hành vi, điều chỉnh hoặc xây dựng mới một số chế tài mạnh hơn, xử phạt theo hướng tăng nặng, có tính răn đe, ngăn chặn việc tái diễn hành vi vi phạm. Có mức phạt cao hơn đối với các cá nhân, tổ chức tái phạm nhiều lần.
Thứ sáu, xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà xuất bản, tác giả, trường học, thư viện và các tổ chức văn hóa khác để chia sẻ tài nguyên, kiến thức và kỹ năng. Tạo ra các liên kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất bản và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ bảy, đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà xuất bản, biên tập viên, dịch giả và nhân viên trong ngành xuất bản. Đồng thời, phát triển các chương trình giáo dục, hỗ trợ cho tác giả trẻ và những người mới vào ngành xuất bản.
Thứ tám, Hội Xuất bản cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước ASEAN và toàn thế giới; khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà xuất bản trong nước hợp tác, kết nối với các nhà xuất bản quốc tế để mở rộng thị trường, truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Các xu hướng trên sẽ giúp ngành Xuất bản Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời đại 4.0, tận dụng công nghệ và đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại.