'Ngành y đang khó khăn hơn bao giờ hết, nhiều cơ sở y tế thành con nợ'
Đó là thực tế được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhìn thẳng khi giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Đó là thực tế được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhìn thẳng khi giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề cơ chế chính sách cho cán bộ y tế, cơ chế tự chủ bệnh viện và những vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế, chiều ngày 27/10 tại Quốc hội.
Thời điểm này ngành y tế đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, bà Lan nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết do vướng mắc liên quan triển khai Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146 còn những quy định chưa thống nhất. Nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu.
"Vì thế, hiện nay, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ, do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán, nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, dẫn đến việc mua sắm đấu thầu cũng khó khăn vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được", Bộ trưởng giải thích.
Về vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, bà Lan cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.
Với việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế vừa qua, dù có khó khăn, bất cập liên quan đến dịch Covid-19, doanh nghiệp không kịp chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, cơ quan không kiểm tra, đánh giá được thực tế, nhà máy ngừng sản xuất do giãn cách, hoat động của chuyên gia bị ảnh hưởng… Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 12 giải quyết để giải quyết những vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành, Bộ trưởng cho biết.
Thông tin tiếp theo được Bộ trưởng nêu là, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến 31/12/2022, nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng chống dịch.
Bộ cũng thành lập các đoàn kiểm tra, hỗ trợ cấc địa phương liên quan nội dung này.
Vừa qua, dù nguồn cung ứng đảm bảo, nhưng triển khai thực tiễn vướng mắc liên quan đấu thầu, vì vậy đã ảnh hưởng, khiến trong một số thời điểm, một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ.
Bộ đã đánh giá nguyên nhân của vấn đề này để có giải pháp tham mưu phù hợp. Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành Công điện 778 ngày 5/9 để tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm đầu thầu thuốc và trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng phối hợp các bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các thông tư liên quan.
"Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy nhiều quy định đã rõ nhưng nhiều nơi còn lúng túng, Bộ đang tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị tập trung đấu thầu", Bộ trưởng cho biết.
Về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Bộ trưởng nói việc này không phải chỉ riêng Việt Nam mà sau giai đoạn kiểm soát dịch Covid -19, có dấu hiệu tái bùng phát, lan mạnh ở nhiều quốc gia thì vấn đề liên quan đến chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực tư khu vực công sang khu vực tư nhân ở nhiều nước cũng đã xảy ra.
Qua đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, dự báo hệ thống y tế toàn cầu thiếu khoảng 15 triệu nhân lực vào năm 2022.
Và qua quá trình triển khai thực hiện, theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Và làn sóng chuyển dịch của ngành y tế ở Việt nam bên cạnh những đặc điểm tương đồng với tình hình chung của thế giới thì có những đặc điểm đặc biệt hơn.
Ví dụ, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 bác sỹ và 3 điều dưỡng trên 10 nghìn dân.
Theo Bộ trưởng, tình hình nhân viên y tế công nghỉ việc chuyển sang công tác tại khu vực tư cũng tăng gần đây.
Quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương, Bộ trưởng khái quát.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết phía Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ trưởng cũng "hứa" sẽ nói thêm về giải pháp để tăng nhân lực y tế trong phiên trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ sắp tới.
Trước khi Bộ trưởng đăng đàn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nói, ở kỳ họp Quốc hội thứ hai, bà đã phát biểu về thực trạng y tế cơ sở đang rất thiếu và rất yếu. Nhưng đáng tiếc cho đến nay vừa tròn một năm, chưa có một chính sách cụ thể nào được triển khai để cứu y tế cơ sở.
"Hơn thế nữa, gần đây, chúng tôi ghi nhận một tình hình rất nguy hiểm là cả y tế về điều trị và cung ứng, tức là cả “ba chân kiềng” của ngành y tế đều đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề", bà Lan nhìn nhận.
Đại biểu phản ánh, khi tiếp xúc với cử tri, luôn nhận được những lời phàn nàn về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
"Ở các bệnh viên, anh em y tế, từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều nói chúng tôi lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu thuốc có chất lượng, thiếu cả trang thiết bị điều trị hiện đại", bà Lan phát biểu.
Vị đại biểu TP.HCM cũng nêu thực tế là “Anh em ngành y tế rất muốn làm nhưng lực bất tòng tâm, chúng ta có chính sách về xã hội hóa và tự chủ bệnh viện nhưng phải nói bệnh viện rất khó tự chủ”.
Theo đại biểu, tự chủ không phải cắt đi đầu tư của Nhà nước, mà ngược lại, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đầu tư cho y tế nhiều hơn, nhưng bên cạnh đó cần mở rộng nguồn đầu tư khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Thế nhưng trên thực tế, Nhà nước cắt hầu hết khoản chi lương cho bệnh viện tự chủ và tự chủ một phần. “Bệnh viện tự chủ nhưng không quyết định được việc mua sắm thiết bị nên khó đảm bảo điều kiện tốt nhất”.
Về Quỹ Bảo hiểm y tế, bà Lan nêu thực tế vì tăng thu khó nên phải giảm chi, ép từ giá dịch vụ y tế, giá thuốc cho tới vật tư y tế dẫn đến không đảm bảo chất lượng. “Ép giá nhưng cũng khó thanh toán, như các bệnh viện ở TP.HCM đang bị bảo hiểm y tế từ chối thanh toàn 1.400 tỷ đồng vì vượt quá quy định cho phép”. Đây là thực tế vô lý, đại biểu nhấn mạnh.
Đề nghị cần có giải pháp cấp bách cho các vấn đề của ngành y, trước Quốc hội, nữ đại biểu bày tỏ: "Nói thật, tôi không biết đến bao giờ một ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào trên trái đất này là làm sao để chúng tôi chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải hàng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả về hành chính lẫn hình sự".