Ngành Y tế: Chủ động giám sát bệnh viêm gan 'bí ẩn'Tin khácĐánh thức tiềm năng du lịch xứ Lạng từ dự án trọng điểm Quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu SơnVăn hóa soi đường cho quốc dân đi
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan 'bí ẩn' (viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân) ở trẻ em nhưng đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Trước tình hình trên, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra.Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 7/5/2022, thế giới đã có hơn 300 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra ở trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết hồi phục hoàn toàn, một số trường hợp chuyển nặng và gần 10% bệnh nhân phải ghép gan.
Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp dự phòng chủ động. Cụ thể ngày 10/5/2022, Sở Y tế đã có Công văn số 1051/SYT-NVYD gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh và 11 trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế; thực hiện tốt việc khám sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời, hạn chế biến chứng; tăng cường triển khai bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn.
Trước những chỉ đạo của ngành y tế, tất cả các đơn vị y tế trực thuộc đã tổ chức giám sát chủ động ngay tại cơ sở y tế. Tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 11 trung tâm y tế các, huyện, thành phố thực hiện tốt việc khám sàng lọc, chủ động lẫy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân (chủ yếu là trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi) khi có các biểu hiện như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da… Ngoài ra, trung tâm y tế 11 huyện, thành phố đã có văn bản chỉ đạo cho 200 trạm y tế xã, phường, thị trấn theo dõi, giám sát các trường hợp trẻ có biểu hiện trên (nhất là các trường hợp trẻ đã mắc COVID-19) để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ để có biện pháp xử lý.
Theo đánh giá của Sở Y tế, đến nay, tất cả các đơn vị đều thực hiện công tác giám sát, sàng lọc đảm bảo nghiêm túc. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc theo dõi, giám sát các trường hợp trên đã được thực hiện ngay khi có văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế. Bác sĩ Ma Văn Minh, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong thời gian 1 tháng (19/4 đến 19/5/2022), Khoa Nhi đã tiếp nhận, điều trị cho 746 lượt bệnh nhân, trong đó, có 89 trường hợp bệnh nhân nhập viện có triệu chứng về tiêu hóa và các triệu chứng làm tổn thương đến tế bào gan. Tất cả các trường hợp trên đều được theo dõi, giám sát, tiến hành đầy đủ các xét nghiệm cần thiết (đặc biệt là xét nghiệm men gan) để điều trị kịp thời, hiệu quả. Hiện nay, chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
Cùng với công tác giám sát chủ động, việc triển khai bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng cũng được các đơn vị triển khai hiệu quả từ trước đến nay. Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2021, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trên toàn tỉnh đạt 84,8% (vẫn còn nhiều trường hợp chống chỉ định, hoãn tiêm). Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiên quyết khắc phục tình trạng một số khu vực có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B đạt thấp để công tác dự phòng bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân đạt hiệu quả cao nhất.
Trao đổi về việc thời gian gần đây nhiều người dân lo lắng về căn bệnh viêm gan “bí ẩn” có nguy cơ mắc cho con em mình, bác sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nhân dân không nên quá hoang mang, lo lắng trước diễn biến của dịch bệnh mà cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm của bệnh gan ở trẻ như: trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da, viêm kết mạc… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh, tư vấn, điều trị.
Để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng quy định các loại vắc xin; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường; thực hiện ăn chín, uống sôi, cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển khỏe mạnh.