Ngành Y tế đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình phát triển, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám, chữa bệnh, đến quản lý hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quan tâm đến việc nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, đáp ứng và thích nghi với chuyển đổi số. Cùng với đó, dành nguồn lực kinh phí nhất định đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực hoạt động.
Thời gian qua, tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, hệ thống PACS - lưu trữ hình ảnh trên môi trường mạng, không cần in phim được triển khai thực hiện đã giảm bớt không gian lưu trữ. Đã không còn tình trạng bệnh nhân phải chờ in phim ra để đọc, sau đó gửi hồ sơ bệnh nhân cho các khoa, phòng. Các dữ liệu hình ảnh, thông tin liên quan đến bệnh nhân được các bác sĩ, kỹ thuật viên cập nhật, truy cập trên máy tính một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian cho tất cả mọi người. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống PACS đã giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa độc hại ra môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải và chi phí nhập phim in.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng triển khai và thường xuyên nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý bệnh viện, chia sẻ dữ liệu và thanh, quyết toán với cơ quan BHXH; thực hiện hóa đơn điện tử; duy trì hệ thống quản lý văn bản nội bộ; giảm thiểu việc in ấn giấy tờ; đa dạng các hình thức khám bệnh như thẻ BHYT giấy, ứng dụng VssID-BHXH số, căn cước công dân gắp chíp... Mục tiêu là từng bước hướng đến bệnh viện không giấy tờ, hoạt động hoàn toàn trên môi trường mạng, thực hiện khám chữa bệnh từ xa....
Bác sĩ Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT luôn được ngành Y tế quan tâm phát triển nhằm tạo được công cụ thuận lợi nhất phục vụ cho hoạt động của cơ quan Sở cũng như các đơn vị trực thuộc. Hiện nay, 100% các đơn vị (bao gồm cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc) kết nối mạng Internet tốc độ cao; triển khai mạng LAN, WAN phục vụ cho hoạt động của đơn vị. Số lượng máy tính, máy in cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết tại đơn vị. 100% các đơn vị khám, chữa bệnh và cơ quan Sở có thiết bị tường lửa nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Năm 2021, ngành Y tế là đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số khối các sở, ngành tỉnh (Trong ảnh: Phòng Công nghệ thông tin - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh).
Đối với việc triển khai phần mềm dùng chung trong toàn tỉnh, hiện nay, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đã được kết nối liên thông 4 cấp, phục vụ cho việc gửi, nhận văn bản điện tử; hầu hết văn bản đến đều được gửi, nhận qua Hệ thống; 100% văn bản đi của Sở đã được ký số và gửi qua Hệ thống (trừ những văn bản mật). 100% đơn vị trực thuộc Sở đã sử dụng Hệ thống để gửi nhận văn bản điện tử và đã sử dụng chức năng ký số cho tổ chức và cá nhân là lãnh đạo đơn vị.
Việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế được quan tâm phát triển mạnh mẽ, bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Hiện nay, phần mềm y tế cơ sở đã được triển khai đưa vào hoạt động tại 143/143 các trạm y tế trong toàn tỉnh. Phần mềm tiêm chủng quốc gia, hiện đã triển khai đến tất cả các đơn vị thực hiện việc tiêm chủng. Phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2019 tại 2 xã thuộc địa bàn huyện Nho Quan, đến nay phần mềm đã bắt đầu được triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh...
Công tác an toàn an ninh thông tin mạng luôn được quan tâm triển khai tới toàn thể cán bộ trong ngành. Trong những năm qua, Sở Y tế không để xảy ra tình trạng mất mát dữ liệu cũng như vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh thông tin.
Cũng theo bác sĩ Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế, với mục tiêu tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện nền tảng, phát triển cơ sở dữ liệu của ngành phục vụ cho xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin, ngành Y tế đặt ra một số mục tiêu quan trọng như: Từng bước nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất về CNTT, đáp ứng điều kiện triển khai các hệ thống ứng dụng trong ngành (bệnh án điện tử, LIS, HIS, PACS, khám chữa bệnh từ xa,...).
Phấn đấu có 50% các đơn vị trực thuộc thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng mạng, sẵn sàng cho chuyển đổi địa chỉ Ipv4 sang địa chỉ Ipv6. Ít nhất 20% hoạt động kiểm tra của các phòng, ban được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% văn bản (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số theo quy định; tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối tại trụ sở Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc được cài đặt giải pháp bảo vệ và có giải pháp sao lưu, dự phòng…
Cùng với đó, phấn đấu ít nhất 20% cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng phổ cập kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. Triển khai nhân rộng ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai có hiệu quả một số những phần mềm chuyên ngành khác như: Quản lý đường dây nóng, quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý nhân sự, báo cáo thống kê y tế…