Ngành y tế kêu gọi cán bộ, nhân viên đăng ký hiến tạng

Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam nhấn mạnh việc vận động, đăng ký hiến tạng là thể hiện tinh thần y đức, trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển nền y học nước nhà

Chiều 14-6, tại lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi, PGS-TS Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết toàn quốc đã có 26 bệnh viện ghép tạng thành công và ghép được hầu hết các tạng trên người như: Thận, gan, tim, phổi, tụy. Tuy nhiên, mỗi năm có hàng chục ngàn bệnh nhân phải chờ đợi vì thiếu nguồn mô tạng.

Lễ ký kết vận động phong trào tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng trong hệ thống cán bộ ngành y

Lễ ký kết vận động phong trào tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng trong hệ thống cán bộ ngành y

Theo bà Bình, chương trình ký kết này sẽ tạo khung pháp lý mạnh, tạo phong trào tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng trong hệ thống cán bộ toàn ngành y. Khi mỗi cán bộ y tế áp dụng chuyển đổi số thì ở mọi vùng miền ai cũng hưởng ứng được.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng nhắc lại câu chuyện nữ điều dưỡng 40 tuổi (công tác tại Bệnh viện E) bị ngừng tim đột ngột từ đầu tháng 3-2024, gia đình đình đã đồng ý hiến toàn bộ tạng cứu sống 4 người mắc trọng bệnh.

"Hiến tạng cứu sống người khác là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện vì người khác. Qua tấm gương của nữ điều dưỡng này, chúng tôi mong muốn và kêu gọi đội ngũ cán bộ nhân viên y tế trên toàn quốc sẽ chung tay cùng Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trở thành những tấm gương nhân hậu, giúp ích cho đời ngay cả khi đã mất. Hãy cùng đăng ký hiến mô, tạng để bổ sung vào nguồn mô, tạng. Sự hiến tặng này chính là thể hiện tinh thần y đức, trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển nền y học nước nhà"- PGS Bình kêu gọi.

Tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết nhu cầu ghép tạng của Việt Nam rất lớn và ngày càng tăng, nhưng nguồn cung rất hiếm.

"Tạng của người chết ở Việt Nam chôn vùi trong đất hoặc thiêu thành tro bụi, rất đáng tiếc, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử"- PGS Tiến chia sẻ

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức

PGS Tiến cho rằng Việt Nam đang lãng phí rất lớn với nguồn tạng hiến từ người chết não, do đó mô hình thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng tại các bệnh viện rất cần thiết. Nếu bệnh viện nào cũng có tổ tư vấn như các bệnh viện mô hình ở Tây Ban Nha ngày nào cũng có 2-3 ca hiến tạng, người 80 tuổi vẫn hiến tạng thì trong tương lai, số người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam sẽ tăng lên.

Theo bà Tiến, 2 năm qua, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca ghép tạng, với hơn 1.000 ca mỗi năm. Tỉ lệ ca ghép từ nguồn hiến chết não của nước ta tăng dần nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước, thậm chí thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nganh-y-te-keu-goi-can-bo-nhan-vien-dang-ky-hien-tang-196240614175617497.htm