Ngành Y tế 'khát'… bác sĩ - Kỳ 2: Chế độ chưa đủ sức 'giữ chân'

Kỳ 2: Chế độ chưa đủ sức "giữ chân"

Trong câu chuyện về nhân lực ngành Y tế, các cán bộ, bác sĩ đã chỉ ra những bất cập trong việc thu hút bác sĩ cho các bệnh viện.

Chế độ đãi ngộ còn thấp

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên 100%, số bệnh nhân (BN) đến khám, điều trị nhiều, nhân viên y tế sẽ có thêm thu nhập; BN ít, thu nhập của họ cũng giảm theo. Có bác sĩ làm gần 30 năm, là trưởng khoa ở bệnh viện hạng II chỉ nhận lương hơn 11 triệu đồng (tăng từ ngày 1-7-2024). Bác sĩ mới ra trường, thu nhập còn thấp hơn.

Bệnh nhân nhận thuốc tại Cơ sở 2 thuộc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa.

Với bác sĩ, mỗi ngày trực đều phải chịu trách nhiệm nặng nề về sức khỏe, thậm chí tính mạng BN, nhưng tiền trực hiện nay chỉ ở mức 135.000 - 175.000 đồng/ngày (tùy ngày thường hay ngày nghỉ, lễ). Đối với bác sĩ ngoại khoa, mỗi khi thực hiện ca phẫu thuật phải mất bình quân 3 - 5 giờ, với ca phức tạp, khó mất gần 10 giờ, thậm chí còn hơn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 73/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, mức phụ cấp phẫu thuật của người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính loại phẫu thuật đặc biệt chỉ được hưởng 280.000 đồng/người, loại I được 125.000 đồng, loại II 65.000 đồng và loại III 50.000 đồng; người phụ mổ, người phụ gây mê hồi sức hoặc phụ châm tê có mức lần lượt 200.000 đồng, 90.000 đồng, 50.000 đồng và 30.000 đồng. Còn mức phụ cấp thủ thuật được hưởng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật… “Mức phụ cấp quá thấp so với công sức và những áp lực mà cả ê-kíp phẫu thuật phải gánh khi thực hiện ca mổ. Số tiền phụ cấp này không còn phù hợp nữa trong cuộc sống hiện tại, có sự chênh lệch quá cao giữa bệnh viện công và bệnh viện tư” - bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh chia sẻ.

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh có 5 đơn vị tự chủ chi thường xuyên 100%, gồm: BVĐK tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và BVĐK khu vực Ninh Hòa. Trong câu chuyện thiếu nhân lực, vướng mắc nhất theo lãnh đạo các đơn vị vẫn là cơ chế. Bác sĩ Lê Quang Lệnh - Giám đốc BVĐK khu vực Ninh Hòa chia sẻ: “Do tự chủ chi thường xuyên 100% nên bệnh viện chỉ dám ký hợp đồng với mức lương tối đa 10 triệu đồng/tháng, không đủ hấp dẫn bác sĩ, nhất là trong điều kiện bác sĩ có thể mở phòng mạch tư hoặc chuyển công tác đến nơi có thu nhập cao hơn, trang thiết bị hiện đại hơn”.

BVĐK tỉnh là bệnh viện hạng I, tuyến cuối của tỉnh, đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật, phẫu thuật điều trị tiên tiến, có lượng BN điều trị ngoại trú và nội trú đông nhất tỉnh, có số lượng bác sĩ nhiều nhất với 312 người. Mặc dù tại đây, bác sĩ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về chuyên môn và bệnh viện có quy chế chi tiêu nội bộ riêng hỗ trợ các bác sĩ song trong 3 năm gần đây (2021 - 2023), vẫn có 32 bác sĩ (không phải là lực lượng tinh nhuệ và chủ chốt của các chuyên khoa) nghỉ việc. Lý giải về tình trạng bác sĩ nghỉ việc, bác sĩ Đặng Duy Thanh - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Nguyên nhân cơ bản vẫn là áp lực công việc ngày càng cao, nguy cơ mắc bệnh, rủi ro bị người nhà hành hung cao nhưng thu nhập còn thấp. Bên cạnh đó, các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, sẵn sàng trả mức thu nhập cao để thu hút bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu hoặc đã có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh”.

Một bác sĩ trẻ đã nghỉ việc tại bệnh viện công ở tỉnh cho biết, với mức lương mới, 1 bác sĩ mới ra trường nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nếu có thêm khoản phụ mổ, hỗ trợ của bệnh viện, mức thu nhập cao nhất của bác sĩ mới ra trường hoặc đi làm được 2 năm khoảng từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. “Làm tại các cơ sở y tế công lập áp lực công việc cao, thu nhập thấp, ngược lại khi làm ở các cơ sở y tế tư nhân thu nhập cao gấp 4 đến 8 lần tùy trình độ và thâm niên. Để nuôi sống được bản thân và hỗ trợ gia đình, các bác sĩ trẻ như chúng tôi đành phải bỏ việc, chuyển sang cơ sở y tế tư nhân”, bác sĩ này chia sẻ.

Chính sách thu hút chưa hiệu quả

Bên cạnh đó, chính sách đào tạo cũng có những nội dung chưa hợp lý. Theo báo cáo giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh, sau dịch Covid-19, các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... Việc hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 11/2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh chưa quy định hình thức mời chuyên gia về đào tạo tại chỗ. Trong khi đó, nhiều đơn vị lại cho rằng đây mới là hình thức cần thiết và rất hiệu quả, vừa đào tạo thực tế được nhiều đối tượng, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian. Bác sĩ Lê Quang Lệnh cho biết, để phát triển kỹ thuật, chuyên khoa mũi nhọn, trong 10 năm (2021 - 2030), BVĐK khu vực Ninh Hòa cần khoảng 150 bác sĩ. Nhưng vòng luẩn quẩn là muốn có thu nhập hấp dẫn, bệnh viện cần có kinh phí; muốn có kinh phí phải phục vụ được nhiều BN; để phục vụ được nhiều BN phải triển khai được nhiều kỹ thuật mới, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu… Nhưng hiện tại, nếu bệnh viện cử đi học thì không có người làm; UBND tỉnh chỉ hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức, các đào tạo khác đều do đơn vị tự chi trả. Những năm gần đây, đơn vị hầu như không đủ kinh phí để chi trả học phí cho những trường hợp đi học nâng cao trình độ đại học, cao đẳng và bổ sung kiến thức chuyên môn theo vị trí việc làm.

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tầm soát lao tại cộng đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 15-1-2021 của HĐND tỉnh ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực ngành Y tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với dự toán kinh phí khoảng 51 tỷ đồng. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 11, ngày 23-9-2022 quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh, trong đó có bác sĩ. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát chuyên đề "Kết quả thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2021 - 2025" trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh, các chính sách chưa thu hút được bác sĩ về công tác, đặc biệt tại các cơ sở y tế chuyên khoa như: Tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh và tại các trung tâm y tế tuyến huyện, trong đó 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tuyển được rất ít bác sĩ, có nơi không tuyển được. "Chúng tôi rất lo ngại khi các bác sĩ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ không có lớp kế cận vì các bác sĩ mới ra trường đang có nhiều cơ hội việc làm, không chấp nhận về tuyến huyện, tuyến xã công tác do các chính sách đãi ngộ còn thấp …", bác sĩ Trần Ngọc Thạch - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, hiện nay, các bệnh viện công còn gặp khó khăn trong đấu thầu, dẫn đến thiếu trang thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật cao…, làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của bác sĩ nói riêng và của đội ngũ nhân viên y tế nói chung. Điều này dẫn tới việc tuyển dụng bác sĩ ở cơ sở y tế công lập, nhất là tuyến huyện gặp khó.

HOA LY

Kỳ 1: Thiếu bác sĩ cục bộ

Kỳ cuối: Nỗ lực gỡ khó

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/nganh-yte-khat-bac-si-ky-2-che-do-chua-du-suc-giu-chan-95e3a7d/