Ngành y tế Lào Cai không sử dụng thuốc kháng sinh giả của Công ty Cổ phần VN Pharma
Trước thông tin một số trang tin và mạng xã hội đưa về việc, năm 2013 Lào Cai nằm trong số 36 tỉnh, thành phố đã dùng 4 loại thuốc kháng sinh giả (Thuốc H2K Levofloxacin Infusion 200mg/100mg; H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100mg; Kaderox 250 và thuốc Kafotax 1000) do Công ty Cổ phần VN Pharma nhập từ công ty 'ma' ở nước ngoài về để phục vụ điều trị trong các bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế Lào Cai đã có phản hồi chính thức với Báo Lào Cai.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, những thông tin mà một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa không chính xác. Cụ thể:
- Thứ nhất, Sở Y tế tỉnh Lào Cai không trúng thầu các mặt hàng thuốc trong danh mục 7 mặt hàng thuốc bị rút số đăng ký theo Quyết định số 522/QĐ-QLD, ngày 19/9/2014 của Cục Quản lý Dược (H2K Ciprofloxacin 200, số đăng ký: VN-17877-14; H2K Ciprofloxacin 400, số đăng ký: VN-17878-14; H2K Levofloxacin 250, số đăng ký: VN-17879-14; H2K Levofloxacin 500, số đăng ký: VN-17880-14; H2K Levofloxacin 750, số đăng ký: VN-17881-14; H-Cipox 200, số đăng ký: VN-17882-14; H-Levo 500, số đăng ký: VN-17883-14).
- Thứ hai, năm 2013, tỉnh Lào Cai có trúng thầu 2 lô thuốc (Thuốc H2K Ciprofloxacin, số đăng ký: VN-11531-10, số lượng trúng thầu: 14.500 túi, giá trị trúng thầu: 1.145.500.000 đồng; Thuốc H2K Levofloxacin, số đăng ký: VN-11532-10, số lượng trúng thầu: 6.000 túi, giá trị trúng thầu 792.000.000 đồng) của Công ty TNHH Thương mại - Dược Mỹ phẩm Nam Phương, không phải thuốc nằm trong danh mục 7 mặt hàng thuốc bị rút số đăng ký theo Quyết định số 522/QĐ-QLD ngày 19/9/2014 của Cục Quản lý Dược.
- Thứ ba, từ năm 2011 đến nay, Công ty Cổ phần VN Pharma không tham dự đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Lào Cai kể cả với vai trò nhà thầu độc lập hoặc liên doanh.
Vì thế, những thông tin mà một số trang tin và mạng xã hội đưa Lào Cai nằm trong số 36 tỉnh, thành phố đã dùng 4 loại thuốc kháng sinh giả do Công ty Cổ phần VN Pharma nhập từ công ty “ma” ở nước ngoài để phục vụ điều trị trong các bệnh viện là không đúng – Bà Minh cho biết thêm.
Trước đó, một số trang thông tin và mạng xã hội đưa tin, qua kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, ngoài nhập thuốc chống ung thư H-Capita giả, Công ty Cổ phần VN Pharma còn nhập về nhiều thuốc kháng sinh cũng từ Công ty “ma” Helix Canada; trong đó có 4 loại thuốc kháng sinh giả đã được đưa vào các bệnh viện của 36 tỉnh, thành để điều trị. Trong đó, năm 2013, Lào Cai là 1 trong số 36 tỉnh, thành phố đã dùng 4 loại thuốc kháng sinh giả gồm: Thuốc H2K Levofloxacin Infusion 200mg/100mg; H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100mg; Kaderox 250 và thuốc Kafotax 1000) do Công ty Cổ phần VN Pharma nhập từ công ty “ma” ở nước ngoài về để phục vụ điều trị trong các bệnh viện với số tiền phải thanh toán là 2.060.430.000 đồng.