Ngành Y tế Phủ Lý nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Là đô thị với mật độ dân cư đông đúc, hoạt động giao thương phát triển khi các trục quốc lộ đi qua, có nhà ga, các bệnh viện lớn của tỉnh nằm trên địa bàn, vì thế công tác y tế ở Phủ Lý có những đặc thù riêng so với các huyện, thị xã trong tỉnh. Vì vậy, thành phố luôn tập trung trọng tâm thực hiện tốt y tế dự phòng, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số,... Qua đó thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Là đô thị với mật độ dân cư đông đúc, hoạt động giao thương phát triển khi các trục quốc lộ đi qua, có nhà ga, các bệnh viện lớn của tỉnh nằm trên địa bàn, vì thế công tác y tế ở Phủ Lý có những đặc thù riêng so với các huyện, thị xã trong tỉnh. Vì vậy, thành phố luôn tập trung trọng tâm thực hiện tốt y tế dự phòng, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số,... Qua đó thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, hoạt động giao thương diễn ra mạnh mẽ khi có quốc lộ 1A, quốc lộ 21, đường sắt Bắc-Nam đi qua, nên Phủ Lý dễ bị dịch truyền nhiễm từ các tỉnh, thành khác xâm nhập. Bên cạnh đó, do mật độ dân số đông cũng là yếu tố khiến các dịch bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Điển hình như trong mấy năm xảy ra đại dịch Covid-19, Phủ Lý là nơi bùng phát dịch mạnh, bắt đầu từ một nguồn lây nhiễm từ Hà Nội. Cũng trong năm 2021, thành phố bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH), đầu tiên là khu vực dân cư gần ga Phủ Lý. Thời gian này các tỉnh phía Nam bùng phát dịch SXH nên khả năng muỗi mang mầm bệnh theo các chuyến tàu xâm nhập qua Phủ Lý gây nên dịch ở Phủ Lý. Dịch Covid-19 sau nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường, nhưng dịch SXH dễ bị tái lại ở những nơi có ổ dịch cũ. Năm 2022 số ca mắc SXH ở Phủ Lý vẫn cao nhất trong toàn tỉnh. Vì thế năm 2023 thành phố rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch SXH. Những ngày trung tuần tháng 8, sau nhiều đợt mưa là điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản mạnh, nguy cơ bùng dịch, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân - phòng chống dịch và các chương trình mục tiêu y tế thành phố tổ chức họp triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Bà Lại Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố Phủ Lý cho biết, trong công tác dự phòng, các đơn vị y tế của thành phố đẩy mạnh, đa dạng các hình thức truyền thông, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe chủ động. Nhờ đó có những tác động tích cực, người dân có ý thức trong chăm sóc sức khỏe chủ động, tham gia các môn thể thao. Thành phố Phủ Lý là địa phương có nhiều câu lạc bộ thể thao với số lượng người dân tập thể dục thể thao thường xuyên đông.

Khám bệnh cho người dân ở Trung tâm Y tế Phủ Lý. Ảnh: Đan Vũ

Đối với việc tiêm phòng các loại dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch Covid-19, tiêm chủng mở rộng (TCMR), cán bộ trạm y tế (TYT) rà soát, nắm chắc đối tượng và tuyên truyền vận động bằng nhiều cách. Vì thế tỷ lệ tiêm vắc - xin phòng Covid-19, hay TCMR cho trẻ trong độ tuổi luôn đạt cao. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2023 do thiếu một số loại vắc - xin, tỷ lệ TCMR cho trẻ trong độ tuổi ở các đơn vị huyện, thị xã trong tỉnh đều không đạt, nhưng Phủ Lý vẫn đạt xấp xỉ 50% kế hoạch năm nhờ người dân nhận thức tốt nên tìm cách cho con em đi tiêm dịch vụ.

Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm, một mặt tăng cường tuyên truyền khi vào mùa cao điểm để người dân tự phòng tránh, cán bộ TYT cũng luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện các ca bệnh, báo cáo cấp trên có hướng xử lý kịp thời, hạn chế dịch lan rộng. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Phủ Lý, số ca mắc SXH trong 2 năm: 2021, 2022 tăng cao chủ yếu do đặc điểm về mật độ dân cư đông, đầu mối giao thương với nhiều tỉnh, thành phố, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, lực lượng y tế thành phố, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả.

Đối với công tác KCB, hiện thành phố có 21 TYT thì chỉ có 10 trạm có KCB. Những trạm ở gần các bệnh viện của tỉnh không thực hiện KCB. Những năm qua dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng TTYT và các TYT có KCB luôn nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng KCB cho người dân. Người dân khi bị đau ốm đến các TYT hoặc TTYT thành phố được khám và phân loại. Nếu là bệnh thông thường sẽ được cấp thuốc điều trị ngoại trú, nếu vượt khả năng chuyên môn được chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị. Công tác KCB bảo đảm an toàn, chất lượng, đón tiếp người bệnh niềm nở, phục vụ nhiệt tình chu đáo, thực hiện tốt 12 điều y đức. Trong 6 tháng đầu năm, TTYT thực hiện xét nghiệm tổng số 11.671 mẫu, đạt 77,8% kế hoạch năm, trong đó siêu âm 1.927 lần, điện tim 977 lần, test đường huyết 1.683 mẫu. Đã KCB cho tổng số 13.609 lượt bệnh nhân.

Song song với đó, TTYT và các TYT thực hiện tốt việc quản lý, điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Hiện số bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý và điều trị 1.476 người, bệnh nhân đái tháo đường 689 người, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản 433 người. 6 tháng đầu năm 2023, TTYT và các TYT cũng thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó số người được đo huyết áp là 387 người, số người được xét nghiệm đường máu là 936 người. Ngoài ra, số bệnh nhân ung thư được quản lý là 203 người.

Công tác y tế công cộng-dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, dân số và các công tác khác cũng luôn được thực hiện tốt. Ngành Y tế thành phố đã triển khai thực hiện tốt việc cho trẻ uống vitamin A hằng năm. Năm 2023, các đơn vị y tế đã tổ chức cho trẻ uống vitamin A đợt I với tỷ lệ đạt cao, không xảy ra tai biến. Số trẻ 6-11 tháng tuổi đạt 98,97%, trẻ từ 12-35 tháng tuổi đạt 99,85%, trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng được bổ sung vitamin A là 2.991 trẻ.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Sở Y tế về chuyên môn, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, những năm qua công tác y tế, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn thành phố luôn được thực hiện tốt. Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng nâng cao chất lượng.

Bà Lại Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc TTYT thành phố Phủ Lý cho biết, khó khăn lớn nhất hiện tại là cơ sở vật chất của TTYT và một số TYT đã xuống cấp, chật chội; các trang thiết bị y tế còn thiếu, phần lớn đã cũ và không có linh kiện thay thế. Tại TTYT hiện máy X-quang được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Phủ Lý (cũ) trước đây về và máy siêu âm màu 3D đã hỏng không có linh kiện thay thế nên không thể sử dụng. Trung tâm cũng thiếu máy nội soi tai - mũi - họng, máy soi đáy mắt, ghế khám răng, máy siêu âm màu 4D, máy nội soi dạ dày,… Đơn vị không có nguồn kinh phí để mua sắm, sửa chữa, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công tác KCB cho nhân dân. Sau khi TTYT chuyển về trực thuộc UBND thành phố, vấn đề này đã được báo cáo và thành phố đang trong quá trình xem xét đầu tư. Nếu được đầu tư, đây là tin vui đối với ngành Y tế thành phố, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/y-te/nganh-y-te-phu-ly-nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-103312.html