Ngành y tế tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa bão
Cùng với công tác khắc phục hậu quả của mưa bão, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn và tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại phường Quảng Hưng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Hạc Thành, tính đến 16h ngày 22/7, khu vực Trung tâm quản lý có 3 phường bị ngập lụt (Hạc Thành, Đông Quang, Đông Tiến) với 1.103 hộ, 145 công trình vệ sinh, 33 chuồng gia súc bị ngập; trong đó, 15 công trình vệ sinh hộ gia đình và các chuồng gia súc đã được xử lý.
Trong bão, hệ thống y tế đã tổ chức trực 24/24h để xử lý các tình hưống đột xuất như tai nạn, chấn thương, bảo đảm sơ cấp cứu tại trạm y tế và tại nhà. Trước, trong và sau mưa bão, trên địa bàn không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Người dân phường Hạc Thành tiến hành vệ sinh nguồn nước sinh hoạt sau khi nước rút.
Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế Hạc Thành cho biết, sau bão, Trung tâm đã tiến hành rà soát, thống kê các điểm ngập lụt, tụ điểm rác thải ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe; đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh...
Hiện, các địa phương đã tổ chức vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xác động vật chết, xử lý bằng vôi bột hoặc hóa chất Cloramin B; tiến hành khơi thông cống rãnh, loại bỏ các ổ nước tù đọng để hạn chế muỗi phát sinh.
Đồng thời, Trung tâm tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng về cách phòng bệnh, giữ vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm; xử lý nguồn nước bị ngập lụt tại hộ gia đình...
Cán bộ trạm y tế phường phối hợp với tổ dân phố xuống hộ gia đình kiểm tra, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, ngập lụt; huy động các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại các khu vực ngập, có nguy cơ phát sinh mầm bệnh...

Cán bộ y tế phường Sầm Sơn đến từng hộ tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong và sau mưa bão, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đề nghị các đơn vị duy trì chế độ giám sát chặt chẽ các ca bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm hô hấp, bệnh do muỗi truyền..., phát hiện sớm, báo cáo kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch theo quy định.
Các đơn vị y tế địa phương cũng tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại hộ dân và hướng dẫn xử lý nước bị ô nhiễm. Nguyên tắc “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó” được áp dụng triệt để nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ môi trường ô nhiễm. Cùng với đó, thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ và ngập lụt.

Cán bộ y tế xử lý nước bằng hóa chất cho các hộ gia đình bị ngập lụt.
