Ngành y tế TP.HCM kiến nghị tháo gỡ hàng loạt khó khăn
Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng ngành y tế TP.HCM vẫn nhiều khó khăn cần cấp bách tháo gỡ.
Ngày 17-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục vày tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở y tế và giáo dục trên địa bàn TP.HCM đã chia sẻ những khó khăn của các bệnh viện (BV), trường học và có các đề xuất, kiến nghị.
Ông Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc BV TP Thủ Đức, chia sẻ hiện nay các BV tự chủ phải có nguồn thu mới có cái chi, nghĩa là phải có nhiều người bệnh tin tưởng và tìm đến BV để KCB.
“Nhưng có một thực trạng là khi có nhiều bệnh nhân tìm đến, BV lại rất lo lắng vì liên quan đến quỹ BHYT. Nếu năm sau quỹ BHYT của BV vượt quỹ của năm trước thì phần vượt quỹ này sẽ không được BHXH chi trả. Như thế BV sẽ không có nguồn để chi lương thưởng, tiếp tục mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế” - ông Thanh chia sẻ.
Ông Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, cho rằng mức lương khởi điểm đối với đội ngũ BS hiện nay bằng với mức lương chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học (hệ số 2.34 nhân với lương cơ sở) là chưa phù hợp. Ông Hiếu lý giải rằng BS phải đào tạo 6 năm, nhiều hơn so với các trình độ đại học khác. Ngoài ra BS sau ra trường phải học thực hành 18 tháng, học chuyên khoa.
“Với quá trình này, không chỉ đào tạo đầu vào mà còn đào tạo liên tục dài hạn với kinh phí khá cao, nếu áp dụng mức lương khởi điểm như hiện tại là không đảm bảo nhu cầu cuộc sống, thiếu sự thu hút nguồn nhân lực. Vì thế BV kiến nghị xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu với BS cao hơn mức đang áp dụng” - ông Hiếu nói.
Còn ông Quách Kim Ưng, Phó Giám đốc trung tâm y tế (TTYT) quận Bình Thạnh, cho rằng hiện nay BHYT đã thông tuyến quận huyện. Tuy nhiên nếu người dân đăng ký thẻ BHYT tại các BV bộ ngành, tuyến trung ương và TP sẽ không được hưởng BHYT tại các TTYT, TYT.
“Việc này dẫn đến nhiều người dân khi mắc các bệnh thông thường (viêm hô hấp, tiêu hóa,…), bệnh mãn tính ổn định vốn có thể điều trị tại TYT nhưng vì đăng ký thẻ BHYT tại BV tuyến trên nên buộc họ phải đi khám ở tuyến trên. Điều này gây mất nhiều thời gian cho người dân và gây quá tải cho BV tuyến trên” - ông Ưng nói và kiến nghị bổ sung thông tuyến tỉnh/TP cho các TTYT, TYT của TP.HCM.
Về danh mục thuốc tại y tế cơ sở, đại diện TTYT quận Bình Thạnh cho rằng tuyến TTYT được sử dụng thuốc danh mục hạng 3, có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu KCB cho người dân. Tuy nhiên đối với TYT sử dụng thuốc danh mục hạng 4 chỉ đáp ứng nhu cầu cho những bệnh mãn tính ổn định, không đáp ứng được những bệnh mãn tính không lây khác khi khám BHYT, khó thu hút người bệnh đến khám tại TYT.
TTYT quận Bình Thạnh kiến nghị mở rộng danh mục thuốc được sử dụng tại TYT, cụ thể là nâng từ hạng 4 thành hạng 3 nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân đến KCB tại TYT.
Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên mới vào ngành
Thời gian qua Chính phủ không ngừng triển khai xem xét lương tối thiểu vùng, đổi mới cơ chế hành chính. Tuy nhiên quá trình điều chỉnh vẫn còn bất cập. Mức lương của giáo viên công tác năm năm đầu trung bình là 5 triệu đồng/tháng, trong khi người lao động bình thường lương đã 7-9 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này, nếu giáo viên phải thuê trọ đã tốn 3 triệu, 2 triệu còn lại làm sao đảm bảo cuộc sống?
Với giáo viên mới ra trường, họ sẽ cực kỳ khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, thậm chí phải chuyển nghề khác có thu nhập cao hơn. Việc tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu đồng là sự động viên nhưng ở mức độ tinh thần bởi số tăng này không theo kịp mức tăng hàng hóa.
Mong ước chung của giáo viên là được trả lương theo vị trí việc làm và có thể sống bằng lương. Vì thế mong Nhà nước quan tâm chính sách tiền lương cho giáo viên hơn nữa và cần có chính sách hỗ trợ cho giáo viên mới vào ngành.
Ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức).
Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-y-te-tphcm-kien-nghi-thao-go-hang-loat-kho-khan-post756881.html