Ngành y tế TP.HCM thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân
Việc rộng cửa cho khu vực tư nhân đầu tư vào y tế đã góp phần không nhỏ trong giảm tải các bệnh viện công và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế TP.HCM.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn Thành phố có 128 bệnh viện đang hoạt động với 42 giường bệnh/10.000 dân. Nếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và chỉ số giường bệnh tại các nước phát triển, chỉ số giường bệnh của TP.HCM hiện còn thấp.
Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên đầu tư ngân sách cho y tế, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị một số cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân tham gia phát triển thêm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa kỹ thuật cao.
Ông Attila Vajda, CEO hệ thống phòng khám quốc tế CarePlus chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng chuỗi các phòng khám bao phủ TP.HCM theo trục Bắc - Nam để khách hàng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chỉ riêng trong năm 2021, CarePlus đã phục vụ hơn 150.000 lượt bệnh nhân”.
Theo ông Attila Vajda, trong giai đoạn tới, hệ thống này sẽ đầu tư các phòng khám mới, không chỉ ở TP.HCM mà mở rộng sang các thành phố trọng điểm khác của Việt Nam.
Tương tự, ông Hoàng Phương Thái, Giám đốc Điều hành Asia New Dental cũng đang lên kế hoạch đầu tư hệ thống nha khoa tại các quận vùng ven TP.HCM và mở mới ở một số tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đồng Nai… với phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình.
Ông Nguyễn Hữu Vị, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Việt Sing cho hay, bệnh viện đang đầu tư mở rộng sức chứa từ 200 bệnh nhân/ngày lên 500 bệnh nhân/ngày để hạn chế quá tải. Dự kiến đến tháng 6/2023, Việt Sing sẽ đưa vào sử dụng 2 cơ sở mới tại quận 10, TP.HCM, nhằm phục vụ bệnh nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Nói về các kế hoạch đầu tư mở rộng dài hơi, bác sỹ Jean Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV cho biết, giai đoạn 2023-2025, FV sẽ đưa vào hoạt động Phòng khám Đa khoa Sài Gòn và Trung tâm chẩn đoán quy mô lớn tại trung tâm TP.HCM; khánh thành thêm một tòa nhà 7 tầng để mở rộng Trung tâm điều trị ung thư, tiêu hóa gan mật và một số chuyên khoa khác; mở thêm một trung tâm điều trị và chạy thận nhân tạo; trung tâm điều trị hiếm muộn và thụ tinh trong ống nghiệm; trung tâm chẩn đoán công nghệ cao.
Không chỉ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, một số bệnh viện tư nhân còn hướng đến đạt chất lượng ISO và tiêu chí trong quản lý vận hành theo các chuẩn quốc tế như: JCI (Mỹ), AP-HP (Pháp)… Từ đó, nhiều bệnh viện hướng đến phát triển chất lượng dịch vụ cao và đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.
Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn có tổng số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, quy mô 200 giường bệnh. Hiện bệnh viện tập trung nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh lý với mức đầu tư nâng cấp hàng chục tỷ đồng.
Có thể nói, nhiều bệnh viện, phòng khám đang dốc sức đầu tư phát triển dịch vụ hiện đại, vừa có thể giúp bệnh nhân tiếp cận với các phương thức khám, chữa bệnh tiên tiến, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-y-te-tphcm-thu-hut-nhieu-nha-dau-tu-tu-nhan-d184416.html