Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong chuyển đổi số
Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế hiện đại, thông minh, phục vụ người dân hiệu quả và minh bạch. Việc triển khai bệnh án điện tử tại 100% bệnh viện và số hóa toàn diện thủ tục hành chính là những bước đi then chốt thể hiện quyết tâm đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.

Người dân thực hiện các thủ tục đăng ký khám bệnh trên ứng dụng thông minh giúp tiết kiệm thời gian chờ và thủ tục hành chính
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, chuyển đổi số ngành y tế sẽ được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện, với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thông minh, phục vụ người dân hiệu quả, thuận tiện và minh bạch. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung và bảo đảm kết nối, liên thông với Trung tâm dữ liệu của thành phố.
Đặc biệt, 100% bệnh viện trên địa bàn sẽ triển khai bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh nhằm giảm chi phí và thời gian chờ đợi cho người dân. Các chỉ tiêu trọng tâm đến năm 2025 bao gồm: 95% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến, 80% hồ sơ hành chính được số hóa và 100% bệnh viện triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Từ nay đến năm 2030, ngành Y tế đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% văn bản, hồ sơ công việc trong ngành được xử lý hoàn toàn trên môi trường điện tử; 80% hoạt động thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công; đồng thời cắt giảm ít nhất 50% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước.
Theo kế hoạch, trong tháng 4.2025, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, với lộ trình cụ thể cho từng bệnh viện. Việc triển khai chính thức tại 100% bệnh viện sẽ bắt đầu từ tháng 9.2025, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bệnh án giấy. Để bảo đảm hiệu quả, ngành sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin tại các cơ sở y tế, đồng bộ với dữ liệu dân cư; đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và vận hành ứng dụng bệnh án điện tử một cách ổn định.
Song song đó, trong quý II.2025, Sở Y tế sẽ hoàn tất hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho toàn hệ thống; đến tháng 12.2025, đầu tư trang thiết bị theo phương án bảo mật đã được phê duyệt. “Việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí mà còn là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền y tế hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Trước định hướng của ngành Y tế, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc đã chỉ ra những hạn chế đang tồn tại trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế. Trong khi một số bệnh viện lớn đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào quản trị, chẩn đoán và điều trị, thì nhiều bệnh viện khác vẫn chưa có hạ tầng phù hợp, hệ thống thiếu đồng bộ, dữ liệu còn rời rạc, kết nối hạn chế.

Nhiều bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có hạ tầng phù hợp, hệ thống thiếu đồng bộ, dữ liệu
Từ thực tế này, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tại các bệnh viện cần thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược. Việc đầu tư cho công nghệ thông tin phải được xác định là đầu tư phát triển lâu dài, có định hướng và lộ trình rõ ràng, không chạy theo phong trào. Bên cạnh đó, ngành cần chú trọng đào tạo, tuyển dụng đội ngũ chuyên trách có nền tảng công nghệ, bố trí đúng người, đúng việc để triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đã đi đúng hướng khi triển khai quản lý sức khỏe điện tử cho người cao tuổi, tiến tới mở rộng cho phụ nữ và trẻ em. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu sức khỏe đồng bộ, liên thông hiệu quả sẽ là nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn quản trị, điều hành ngành Y tế bằng công nghệ hiện đại. “Khi có đủ dữ liệu, người quản lý chỉ cần một bảng dashboard là có thể nắm bắt toàn bộ hoạt động của hệ thống, từ tình trạng thiết bị đến tình hình xử lý hồ sơ. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả, minh bạch, hiện đại hóa toàn bộ ngành Y tế”, đồng chí phân tích.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cũng giúp ngành Y tế chủ động dự báo rủi ro, điều phối nguồn lực hợp lý, giảm áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, với tiềm lực hiện có, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực châu Á, đúng như mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Năm 2024, chỉ số “TP đáng sống” của TP. Hồ Chí Minh đã tăng 6 bậc, trong đó giáo dục và y tế là hai yếu tố then chốt. Nếu ngành Y tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số, chỉ số này sẽ còn tiếp tục tăng.
Khẳng định chuyển đổi số không phải là một phong trào ngắn hạn mà là yêu cầu tất yếu của thời đại, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các sở, ngành, đặc biệt là Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành Y tế, để ngành thực sự đi trước, làm hình mẫu cho các lĩnh vực khác trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.