Ngành y tế và giáo dục TP.HCM thiếu trầm trọng cơ sở hạ tầng, nhân lực

Ngành y tế TP.HCM thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là tại các trạm y tế. Trong khi đó, ngành giáo dục thiếu trường, lớp và cả đội ngũ nhân lực.

Sáng 29-5, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện chương trình CCHC về tổ chức bộ máy và chế độ công vụ giai đoạn 2022-2025 đối với Sở Y tế và Sở GD-ĐT TP.HCM.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng một lần nữa cả hai ngành đề cập với đoàn giám sát.

 Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân chủ trì buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân chủ trì buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Thiếu nhân lực tại các trạm y tế

Báo cáo tại buổi giám sát, ngành y tế TP.HCM nêu các khó khăn về nhân lực của các trạm y tế. Theo đó, TP.HCM có mật độ dân cư cao nhưng nhân sự tại trạm y tế ít nên rất khó để có thể đảm trách chức năng quản lý sức khỏe người dân.

Theo Thông tư 03/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập của Bộ Y tế, định mức số người làm việc tại Trung tâm y tế và trạm y tế được xác định theo quy mô dân số, trong đó định mức số người làm việc của trạm y tế là 5 người/trạm; với trạm y tế trên 6.000 dân, nếu tăng từ 2.000 đến 3.000 dân thì tăng thêm 1 người làm việc.

Để thực hiện quy định trên, TP phải tăng định mức biên chế để bổ sung cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, nhưng sẽ trái với quy định tại Kết luận số 28 vào năm 2022 của Bộ Chính trị, nêu: “Cả nước cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”.

Cùng đó, với khối lượng công việc tăng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng hơn và kỳ vọng của người bệnh cao hơn, nhân viên y tế đang phải chịu “hội chứng burn-out”- sự suy sụp về thế chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng.

Từ đó, Sở Y tế TP kiến nghị Chính phủ xem xét, tăng định mức số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách theo quy mô, cơ cấu dân số cho UBND TP để bố trí cho trung tâm y tế và Trạm y tế theo Thông tư 03 của Bộ Y tế.

Sở cũng kiến nghị UBND TP phân bổ biên chế công chức hàng năm phù hợp với khối lượng công việc, chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm bổ sung nhân lực y tế cho trạm y tế theo quy mô dân số đối với Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức góp phần giảm bớt khó khăn, giúp viên chức an tâm công tác…

Hiện nay là hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng tại các cơ sở y tế chưa được đầu tư đúng mức, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP còn lỗi trong quá trình vận hành khiến người dân bức xúc…

Sở này cũng đề xuất trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, để đảm bảo cho bảy đơn vị được UBND TP giao quyền tự chủ tài chính (nhóm 1) hoạt động theo đúng quy định pháp luật, khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý hiện nay, UBND TP phê duyệt đề án thí điểm thành lập Hội đồng quản lý tại BV Mắt. Sau đó có sơ kết, tổng kết để nhân rộng cho các BV còn lại.

Sở cũng đề xuất Bộ y tế sớm ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với ba chức danh chuyên môn: dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu ngoại viện, tâm lý lâm sàng để xây dựng danh mục vị trí việc làm…

 Đại biểu HĐND TP.HCM đặt câu hỏi tại buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Đại biểu HĐND TP.HCM đặt câu hỏi tại buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Về thực hiện chuyển đổi số, ngành y tế TP cho biết đã triển khai chương trình “Chuyển đổi số ngành y tế TP.HCM” và đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của ngành y tế TP năm 2023”. Sở đã tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP… từng bước ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành… Sở cũng triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng để giúp người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách tiện lợi…

Ngành giáo dục thiếu trường, lớp và cả nhân lực

Phía Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sau thời gian sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, số trường, lớp hiện nay vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, do sự gia tăng dân số cơ học.

Sở GD-ĐT hiện đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới trường lớp để đảm bảo học sinh có chỗ học đầy đủ. Đồng thời, một số đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối dẫn đến việc dư số lượng cấp phó so với quy định, việc bố trí công tác cho cán bộ, viên chức gặp khó khăn. Các đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn…

Sở kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ dành riêng cho Ngành GD-ĐT để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đúng cơ cấu chuyên môn tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu giáo dục của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

 Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nêu các khó khăn tại buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nêu các khó khăn tại buổi giám sát. Ảnh: THANH THÙY

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân lưu ý cả hai sở cần quan tâm nhiều hơn đến công tác CCHC, có đánh giá thực chất công tác CCHC để có biện pháp sát sườn hơn. Cái nào còn hạn chế, tồn tại thì cố gắng khắc phục. Quan trọng nhất là sự hài lòng của người dân và phụ huynh, các em học sinh, giảm tối đa các bước trung gian.

Chia sẻ về khó khăn chung của hai sở về cơ sở vật chất và cả đội ngũ, ông Huỳnh Thanh Nhân nói ngành giáo dục TP đối diện với áp lực tăng 20-30.000 học sinh. Còn ngành y tế TP thì bình quân trong 1 năm, khám chữa bệnh 40 triệu lượt, số giường lưu bệnh khoảng 2 triệu thì các cơ sở khám chữa bệnh tại TP hiện quá tải.

“TP áp lực về cơ sở vật chất và về đội ngũ”- ông thừa nhận và cho biết chính quyền TP vẫn đeo bám, kiến nghị Trung ương cho TP.HCM tự chủ về mặt biên chế.

Ông Nhân khẳng định lại, TP vẫn cần số biên chế phù hợp với tình hình thực tiễn, quy mô dân số và dựa trên cả đóng góp ngân sách của TP.

Với việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, ông Huỳnh Thanh Nhân nói nếu có những cái mới phát sinh, hai sở cần tham mưu và dựa vào quy hoạch, phải đạt chuẩn. Ông cũng yêu cầu rà soát các đơn vị có quy mô nhỏ, nơi nào chưa đạt thì siết lại. Việc sắp xếp phải theo tinh thần mang lại hiệu quả, sự hài lòng cho người dân.

Ông Huỳnh Thanh Nhân cũng động viên hai sở cố gắng đào tạo nguồn nhân lực, chú ý việc tuyển dụng bổ nhiệm và thi tuyển chức danh lãnh đạo. HĐND TP cũng đã ban hành các nghị quyết thu hút người tài vào hệ thống, hai sở cần tận dụng để tìm nguồn lực phù hợp.

 Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ với khó khăn của hai ngành. Ảnh: THANH THÙY

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ với khó khăn của hai ngành. Ảnh: THANH THÙY

Nói về vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, ông Huỳnh Thanh Nhân cho rằng cần xem lại chế độ chính sách của khu vực công chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến đã tốt chưa. Các sở ngành cũng cần quan tâm thêm. Vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị hết sức quan trọng. Ông Huỳnh Thanh Nhân cũng lưu ý công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực điều hành của từng cơ quan, đơn vị…

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng lưu ý hai sở mạnh dạn đề xuất các nội dung mà UBND TP và Chủ tịch UBND TP có thể phân cấp, ủy quyền cho 2 sở.

Ngoài ra, nếu hai sở nhận thấy có những nội dung có thể phân cấp về cho các cơ quan chuyên môn của quận, huyện thì cũng nên mạnh dạn giao về, nhưng cũng phải căn cứ vào năng lực của các cơ quan.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-y-te-va-giao-duc-tphcm-thieu-tram-trong-co-so-ha-tang-nhan-luc-post793041.html