Ngành yến sào còn xa giấc mơ 'tỉ USD'

Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng trở thành ngành hàng tỉ USD mới của Việt Nam nhưng hiện tại ngành yến sào còn gặp nhiều vướng mắc.

Chiều 30-7, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức chương trình gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và báo chí thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch các tháng đầu năm và nhiệm vụ các tháng cuối năm.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 34,27 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hầu hết các nhóm ngành đều tăng như: nông sản 18,21 tỉ USD, tăng 23,4%; lâm sản 9,41 tỉ USD, tăng 21,1%; thủy sản 5,29 tỉ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi 288 triệu USD, tăng 4,8%.

Đáng chú ý, xuất siêu của ngành đạt 9,42 tỉ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giảm nhập khẩu ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là ngành lâm sản nhờ nguồn cung trong nước dồi dào.

Phát biểu tại chương trình, ông Hồng Đình Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam - thông tin cuối năm 2023, lô yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đến 6 tháng đầu năm, lượng yến xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 2 tấn, trị giá 2,3 triệu USD, còn rất ít ỏi so với hạn ngạch 100 tấn/năm mà phía Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam.

Ngoài vấn đề về thị trường mới, kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ như yến sào thì các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp vướng trong thủ tục xin xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.

Ông Hồng Đình Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam - phát biểu chiều 30-7

Ông Hồng Đình Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam - phát biểu chiều 30-7

Theo đó, các nhà yến lâu năm, có sản lượng lớn cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu thường gặp vấn đề về xây dựng nên chính quyền địa phương ngần ngại trong việc xác nhận nguồn gốc dù việc doanh nghiệp thu mua yến sào từ những nhà yến này là đúng sự thật.

Trong khi đó, Nghị định 13 năm 2020 của Chính phủ, hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi cho phép nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu không phù hợp quy định về vùng nuôi chim yến thì giữ nguyên trạng, không được cơi nới,…

"Hiệp hội Yến sào Việt Nam đề nghị cần phổ biến quy định này đến các cấp chính quyền địa phương để cán bộ thực thi mạnh dạn trong việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu" - ông Khoa kiến nghị.

Yến sào là mặt hàng có giá trị cao

Yến sào là mặt hàng có giá trị cao

Đại diện Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cũng nói rằng các doanh nghiệp hội viên rất vất vả để cùng các cơ quan chức năng mở cửa thành công yến sào vào thị trường Trung Quốc nhưng kết quả còn rất hạn chế. Hiện tại, yến sào chỉ mới xuất khẩu thô, giá trị thấp, chưa xuất khẩu sản phẩm chế biến tinh để nâng cao giá trị.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 24.000 nhà yến tại hơn 40 tỉnh, thành phố với sản lượng 150- 170 tấn/năm. Đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng tại các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tin-ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nganh-yen-sao-con-xa-giac-mo-ti-usd-196240730183140761.htm