Ngao chết trắng đầm, nhiều hộ ở Thanh Hóa mất trắng tiền tỷ
Hiện tượng ngao chết ồ ạt một cách bất thường từ nửa cuối tháng 12/2016 cho đến thời điểm này đã khiến người nuôi ngao ở 2 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa)đối mặt với cảnh trắng tay,nợ chồng nợ.
Mỗi ruộng ngao giống có diện tích lên đến hơn 6.000 m vuông. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nước mắt tại vựa ngao chết
Tại vựa ngao Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) trong ngày đầu đợt mưa rét, nếu là thời điểm này năm ngoái sẽ là không khí khẩn trương thu hoạch rộ ngao nuôi. Nhưng năm nay, tại bãi ngao rộng hàng trăm ha, không khí trùm một màu trắng bởi đâu đâu cũng là xác ngao, vỏ ngao chết trắng.
Tranh thủ con nước thủy triều rút xuống, hàng trăm lao động được các chủ đầm ngao thuê mướn lại khẩn trương lội ra đầm để nhặt vỏ ngao, gom từng bì vỏ để đem đi đổ. Đầu tư gần 3 tỷ đồng để nuôi 2ha ngao giống, nay ngao chết, mỗi ngày gia đình chị Nguyễn Thị Lộc (thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc) thuê khoảng 30-35 lao động đi cào ngao chết, nhặt xác ngao với giá 150.000 đồng/ngày/người.
Chị Lộc chia sẻ: "Nói là công theo ngày, chứ thực ra, 1 ngày chỉ tranh thủ được 5-6 tiếng nước triều xuống, ngao chết chòi ra, chứ nước triều lên bãi ngao lại ngập trong nước. Làm gần 1 tuần nay rồi mà vẫn chưa hết vỏ ngao, bởi vừa nhặt hôm nay xong, ngày mai số ngao nằm dưới bùn đất lại ngoi lên và chết trắng bãi. Bao tiền đầu tư vào ngao đã mất trắng, nay mỗi gia đình lại mất thêm hàng chục triệu đồng để thuê nhân công dọn dẹp bãi ngao".
"Đây là thời điểm chúng tôi thu hoạch rộ ngao để vừa lấy tiền đáo nợ ngân hàng vừa chăm lo cái Tết cho gia đình. Nửa tháng trước, nhìn đầm ngao mỗi ngày mỗi lớn, tôi đã nhẩm tính nếu cứ đà này, trừ chi phí, trả nợ, gia đình cũng có tiền lãi giắt lưng lên đến vài trăm triệu. Nhưng năm nay, ngao chết hết như thế này, bao tiền của coi như đổ hết xuống sông, xuống biển. Năm nay bà con nuôi ngao chúng tôi coi như mất Tết", chị Nguyễn Thị Lộc nói.
Có thâm niên hơn 10 năm nuôi ngao, mấy năm nay con ngao nuôi ổn định nên vụ nuôi 2016, anh Phạm Văn Ba, (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) và một số anh em, họ hàng vay vốn ngân hàng chung nhau đầu tư nuôi 16 ha ngao ở xã Hải Lộc, xã Đa Lộc và xã Hoằng Trường với vốn đầu tư ban đầu khoảng 9 tỷ đồng.
Anh Ba dự định, nếu bình thường, vụ ngao này gia đình anh sẽ thu về khoảng 700 - 800 tấn ngao thương phẩm và khoảng 300 tấn ngao giống, theo giá thị trường hiện nay gia đình anh có thể thu về khoảng 9 tỷ đồng tiền ngao thịt và 7-8 tỷ đồng tiền ngao giống. Nhưng đến thời điểm này, tất cả đã trôi đi theo dòng nước biển.
Anh Ba khẳng định: "Thực ra ở vựa ngao Hải Lộc này, năm nào cũng có tình trạng ngao chết, nhưng lượng ngao chết không đáng kể, chỉ từ 10-20%. Việc ngao chết đồng loạt với số lượng lớn như năm nay thì chưa từng xảy ra. Bên cạnh đó, mọi khi ngao chết sẽ để lại mùi hôi thối, các sinh vật khác như ốc sẽ bám đầy vào con ngao để rỉa ruột ngao, nhưng lạ là lần này ngao chết nhưng không có nhiều mùi, ngao chết đầy đầm nhưng ruột ngao như tự tiêu hủy mất..."
Có thể vừa tháng trước thôi, nhiều gia đình ở Hải Lộc có của ăn của để, trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ con ngao, thì cũng vì con ngao, tới đây, sẽ có thêm nhiều hộ dân ở xã Hải Lộc lâm vào tình trạng mắc nợ, thậm chí mất nhà cửa, đất đai của chính mình, của anh em chòm xóm vì đã trót thế chấp sổ đỏ của gia đình và mượn người thân quen để vay tiền "đổ" vào ngao...
Khẩn trương điều tra nguyên nhân
Thu hoạch ngao thương phẩm tại trang trại. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, hiện tại, tình hình ngao chết hàng loạt tại các xã Hải Lộc, Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) diễn ra từ ngày 19/12/2016. Số lượng ngao chết nhiều từ ngày 21-23/12/2016 và chết rải rác vẫn đang tiếp diễn.
Tại xã Hải Lộc có 201/230 ha ngao chết với tỷ lệ chết khoảng 70%; xã Đa Lộc có 200/350 ha ngao chết; trong đó có 120 ha tỷ lệ chết từ 30-70%, 80 ha có tỷ lệ chết trên 70%; tại xã Hoằng Trường có toàn bộ 12 ha ngao chết tỷ lệ 15-40%. Qua các xét nghiệm bệnh và chỉ tiêu môi trường ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã loại trừ nguyên nhân ngao chết do dịch bệnh.
Nắm được một số thông tin có người xả thải xuống bãi ngao, người dân xã Hải Lộc đã chủ động mật phục và ngày 31/12/2016 đã bắt quả tang chiếc thuyền của cặp vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đang chở 14 thùng phuy nhựa màu xanh, với dung tích khoảng 50 lít/thùng ra bãi ngang đổ.
Tại thời điểm đó, vợ chồng Hoàng Văn Thành đã đổ chất thải trong 11/14 thùng phuy xuống khu vực bãi nuôi ngao; 3 thùng còn lại được người dân đưa về UBND xã Hải Lộc báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, vợ chồng Hoàng Văn Thành khai nhận được chủ Công ty Hoàng Thắng đóng trên địa bàn xã Ngư Lộc - huyện Hậu Lộc (chuyên chế biến thủy hải sản) thuê đem chất thải tẩy rửa chế biến hải sản (mai mực, da mực, nước thải sau sơ chế) ra cồn bãi ngang xã Hải Lộc đổ trộm, cứ 3 ngày họ lại đi đổ một lần. Tang vật liên quan vụ việc hiện được niêm phong và bảo quản tại nhà kho của UBND xã Hải Lộc..
Mới đây, trong kết quả phân tích mẫu nước biển và mẫu tang vật chất xả thải do người dân bắt quả tang nói trên của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên môi trường Thanh Hóa) cho thấy các chỉ tiêu về môi trường đều vượt ngưỡng cho phép, một số chỉ số vượt cao từ vài trăm đến vài nghìn lần...
Đại diện cho người nuôi ngao xã Hải Lộc, anh Phạm Văn Ba chia sẻ: "Người nuôi ngao xã Hải Lộc mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý những đối tượng chủ mưu và yêu cầu bồi thường thiệt hại hậu quả cho người dân. Chúng tôi cần phải biết trong chất thải mà cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng đổ ra bãi ngao, đổ ra môi trường biển là chất gì, độc hại đến đâu, chất đó có phải là nguyên nhân làm cho con ngao đang khỏe mạnh bình thường bị chết hay không ? Có như vậy chúng tôi mới có thể yên tâm khôi phục sản xuất, nuôi trồng trong vụ mới 2017...".
Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa khẳng định: "Bằng các xét nghiệm cụ thể, ngành nông nghiệp Thanh Hóa khẳng định hiện tượng ngao chết hàng loạt không phải do các tác nhân vi khuẩn, vi rút, tảo độc hay ký sinh trùng".
Để nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phụ tình trạng ngao chết, đảm bảo vùng nuôi thủy sản bền vững ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương điều tra sai phạm của đối tượng cũng như cơ sở xả thải, sớm có câu trả lời cuối cùng cho bà con vùng nuôi ngao.
Mong muốn của người dân nuôi ngao là chính đáng và các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa cần sớm có câu trả lời thỏa đáng cho người dân vùng ngao. Bên cạnh đó, để nuôi ngao thực sự trở thành một nghề không bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, môi trường như lâu nay, thời gian tới các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa cần có những giải pháp, hướng dẫn cũng như chế tài cụ thể về mật độ nuôi, quản lý tốt môi trường nguồn nước, phòng chống dịch bệnh… góp phần hạn chế rủi ro cho người dân.