Ngập lụt ở miền Trung: Nhà chìm trong nước, lúa chưa gặt đã nảy mầm
Mưa lũ khiến nhiều nhà cửa của người dân Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập sâu, trong khi ở Thừa Thiên - Huế lúa chưa gặt đã nảy mầm.
Video: Mưa lớn gây ngập cục bộ, nhiều xã vùng biên giới Quảng Trị bị cô lập
Lúa chưa gặt đã nảy mầm
Tính đến sáng 4/9, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hoạch được 24.361ha lúa hè thu, còn 871ha chưa thu hoạch. Trong đó, vùng đồng bằng còn 111ha, chính quyền đang huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa trước 5/9 để tránh ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Tại huyện Phú Lộc, theo ghi nhận của PV VTC News, sáng 4/9, người dân ở hạ nguồn sông Truồi vẫn đang tất tả gặt diện tích lúa bị đổ rạp.
Theo thống kê của HTX Nông nghiệp Châu Thành (xã Lộc An), tại đơn vị này còn một số hộ chưa thu hoạch xong, hộ ít cũng 2 - 3 sào, hộ nhiều hơn 10 sào lúa.
Việc lúa bị ngập úng dẫn đến mọc mầm khiến ai cũng xót xa. Để đối phó tình hình, chính quyền địa phương sở tại đang lắp đặt các trạm bơm để tiêu úng và triển khai gặt tay, diện tích nào gặt máy được phải tận dụng gặt ngay.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa lũ này khiến 1 người dân thiệt mạng khi giằng chống mái hiên nhà. Nạn nhân là ông Phan Khoái (83 tuổi, trú tại xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền).
Ngoài ra, từ chiều 3/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thừa Thiên - Huế yêu cầu Công ty cổ phần (CTCP) Thủy điện miền Trung mở cửa xả điều tiết nước hồ thủy điện A Lưới (diện tích lưu vực 331 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 60,2 triệu m3) về phía hạ du huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) với lưu lượng tăng dần từ 20 đến 400m3/s, tránh đột biến, đảm bảo mực nước hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường. Việc xả nước được thực hiện từ 16h ngày 3/9.
Công lệnh này còn yêu cầu CTCP Thủy điện miền Trung căn cứ tình hình lưu lượng nước đến hồ thủy điện A Lưới và diễn biến mưa lũ để điều tiết xả nước cho phù hợp.
Báo cáo của CTCP Thủy điện miền Trung cho biết, tính đến 10h ngày 3/9, mực nước hồ thủy điện A Lưới là 552,2m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 0,8m, lưu lượng nước đến hồ 273,9m3/s, lưu lượng nước qua máy phát điện 42,2m3/s.
Mưa lớn trong chiều 3/9 khiến mực nước sông Ô Lâu dâng cao gây ngập lụt cục bộ tại các xã ven Quốc lộ 49B qua huyện Phong Điền.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền cho biết, sáng 4/9, đơn vị cho phép học sinh của 5 trường học ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương nghỉ học để đảm bảo an toàn. Tổng cộng có 2.611 học sinh ở 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở) trên địa bàn không đến trường.
Có hơn 30 nhà dân ở các xã Phong Hòa, Phong Bình bị ngập, chính quyền địa phương phải di dời 13 hộ dân ở các vùng thấp trũng, sạt lở đến nơi an toàn.
Tại TP Huế, trận mưa lớn chiều 3/8 cũng khiến nhiều tuyến đường nội thành bị ngập úng, gây ách tắc giao thông.
Quảng Trị, Quảng Bình ngập sâu
Tại Quảng Trị:Mưa lớn khiến nhiều địa phương ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông bị ngập cục bộ hoặc cô lập do hệ thống đường sá, cầu cống bị hư hỏng.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho hay, lãnh đạo huyện vừa đi thực tế, chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương lên phương án, hỗ trợ người dân các xã phía Nam của huyện bị cô lập do mưa lũ.
Theo ghi nhận của PV VTC News, mưa lũ kèm theo nước sông Sê Pôn dâng cao khiến đập tràn vào bản 1, xã Thuận (huyện Hướng Hóa) bị ngập sâu, cắt đứt tuyến đường vào địa phương này, nhiều nhà dân có nguy cơ chìm trong nước.
Ông Hồ Văn Hùng, Bí thư chi bộ bản 1 xã Thuận cho hay: "Chính quyền thôn trực ở đây ngay từ sáng 3/9, khi nước bắt đầu tràn qua cầu. Nước càng ngày càng chảy xiết hơn, chúng tôi kịp thời di dời hết bà con trong bản lên vùng cao hơn và tuyên truyền cho bà con không mạo hiểm di chuyển qua khu vực này bằng thuyền để đảm bảo an toàn".
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) cho hay, mưa lớn làm nước sông Sê Pôn dâng cao gây ngập úng nhiều tuyến đường ở thị trấn này, rất nhiều ngôi nhà bị nước tràn vào gây ngập úng nặng. Hiện địa phương này mưa giảm và nước lũ đang rút dần.
Theo UBND Hướng Hóa, do mưa lớn, nước sông suối dâng cao nên 10 điểm thuộc các xã vùng Lìa, Tân Long, xã Xy, A Xing bị chia cắt. Việc di chuyển tại những khu vực này khó khăn và nguy hiểm.
Đến thời điểm này, huyện Hướng Hóa tổ chức di dời nhân dân ở vùng ngập lụt đến nơi tránh trú, cụ thể: tại thị trấn Lao Bảo (18 hộ/ 72 khẩu), xã Tân Long (29 hộ/100 khẩu), Tân Long 12 hộ/58 khẩu.
Bên cạnh đó, UBND huyện phân công cán bộ trực tiếp kiểm tra tình hình lụt bão tại các xã, thị trấn và các khu vực xung yếu như: giao thông, hồ đập, các vùng thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết, Sở gửi công văn cho các địa phương về kế hoạch tổ chức khai giảng.
Cụ thể, trường hợp tình hình thời tiết bình thường, địa bàn cư trú của học sinh không bị chia cắt, ngập lụt, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.
Trong trường hợp mưa kéo dài, không thể tổ chức lễ khai giảng ở ngoài trời, các trường có thể sử dụng hội trường, phòng họp... để tổ chức lễ khai giảng theo kế hoạch chung của Sở phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trường hợp thời tiết trên địa bàn diễn biến xấu, có thể gây nguy hiểm đối với học sinh, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, địa bàn bị chia cắt do mưa lũ... thì các trường chủ động dừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới, đồng thời báo cáo với phòng và sở để tổ chức lễ khai giảng vào thời điểm phù hợp.
Tại Quảng Bình: Mưa lớn những ngày qua khiến nước sông dâng cao gây ngập cục bộ ở nhiều địa phương như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy và TP Đồng Hới. Mưa lũ cũng gây sạt lở, ngập úng đường sá khiến nhiều vùng ở huyện Tuyên Hóa bị cô lập.
Theo thống kê của của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm này, mưa lũ khiến 3 người chết, mất tích và bị thương.
Nạn nhân thiệt mạng là một cháu nhỏ 2 tuổi ở thị xã Ba Đồn, bị trượt chân và lũ cuốn mất tích, thi thể cháu được tìm thấy lúc 17h ngày 3/9. Người bị cuốn mất tích là chị Hồ Thị Chăn (SN 1986, trú bản Pa Chong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa). Người bị thương là anh Trần Huy Lực (SN 1986, trú tiểu khu 1, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa).
Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về tài sản: Hơn 400 ngôi nhà ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa bị lũ gây ngập cục bộ; 1 tàu cá của ngư dân TP Đồng Hới bị nước đánh chìm; 2 lồng cá của dân xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa bị chết); gần 1000ha hoa màu của người dân huyện Quảng Ninh bị nước nhấn chìm...
Cùng với đó, hàng loạt điểm giao thông bị nước lũ nhấn chìm gây sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của người dân, gây cô lập nhiều vùng dân cư đang sinh sống.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, hiện lực lượng chức năng tỉnh này đã và đang lên kế hoạch dời khoảng 1.200 hộ dân trong vùng bị ngập do nước lũ.