Ngập tại các đô thị có nhiều nguyên nhân chủ quan

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do: Quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế, nhất là trong công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa; quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành giải trình về giải pháp phòng, chống ngập cục bộ tại các đô thị TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành giải trình về giải pháp phòng, chống ngập cục bộ tại các đô thị TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).

Sáng 18-7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã giải trình về giải pháp phòng, chống ngập cục bộ tại các đô thị, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp 24 HĐND tỉnh Kiên Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết những năm gần đây, khi xảy ra mưa lớn và kéo dài, lượng mưa trung bình từ 50 - 80mm và từ 30 phút trở lên thì xảy ra ngập cục bộ tại một số khu vực thuộc TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc.

Qua khảo sát và đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khách quan gây ngập cục bộ là do hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, cũ, xuống cấp; thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu… Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do: Quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế, nhất là trong công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa; quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển… Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bỏ rác không đúng nơi quy định làm bít miệng thu nước, hố ga; lấn chiếm thu hẹp bờ kênh, rạch thoát nước, gây cản trở dòng chảy…

Về giải pháp trong thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo UBND TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc tăng cường hơn công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường; khẩn trương rà soát, khơi thông cống rãnh và cải tạo ngay các đoạn, tuyến cống thường hay ngập cục bộ; phối hợp Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang rà soát quy hoạch, hạ tầng thoát nước để xây dựng kế hoạch tổng thể, đề xuất các giải pháp về công trình và phi công trình để sớm khắc phục trong thời gian tới.

Ngoài ra, hiện một số khu vực hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé bị trũng, thấp, thường xuyên bị ngập khi triều cường dâng cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhận định mức độ ngập có thể gia tăng hơn trong trường hợp vận hành đóng cống, kết hợp triều cường, UBND tỉnh Kiên Giang đã bố trí kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đê ven sông ở hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé nhằm sớm giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ trong khu vực này.

THU OANH lược ghi

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/ngap-tai-cac-do-thi-co-nhieu-nguyen-nhan-chu-quan-21388.html