Ngập tại Phú Quốc: Cơ quan chức năng ở đâu khi suối hóa cống ngầm?
Nửa tháng trước, đảo ngọc Phú Quốc trải qua trận lụt đáng gọi là Đại hồng thủy trong lịch sử của đảo. Nhiều vùng trũng của đảo bị ngập sâu cả mét khiến đời sống người dân đảo lộn.
Hiện tượng này được coi là hết sức bất thường và nhiều người ngạc nhiên rằng tại sao đảo lại bị ngập được. Cho dù lượng mưa tại Phú quốc thời gian thượng tuần tháng 8 cao bất thường nhưng với vị trí của một đảo thì đáng ra việc thoát nước phải nhanh chóng. Tuy nhiên, chính khâu thoát nước có vấn đề nên ngay cả các nơi ở sát bờ biển của Phú Quốc cũng bị ngập nặng vì nước không có đường thoát ra biển.
Đi dọc bờ biển của một số khu du lịch ven biển trên đường Trần Hưng Đạo, xã Dương Tơ thì có thể thấy nhiều gốc dừa trồng gần bờ biển bị bật gốc do sạt lở sau đợt lũ lụt. Ông Hoàng Văn Đông, đại diện của Khách sạn Paris Beach (ấp Cửa Lấp) nằm khá sát bờ biển cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua, nước tràn vào khách sạn của ông ngập sâu cả mét gây thiệt hại nặng nề khi làm hư hỏng nhiều thiết bị. Khi nước rút đi thì nước bẩn đầy hồ bơi và phòng ốc khiến khách sạn phải rất tốn kém để khắc phục. Ngoài ra, khách sạn phải hủy nhiều lịch đặt của khách hàng vì lực bất tòng tâm trong khi rơi vào hiểm cảnh như vậy.
Về nguyên nhân khiến các công trình ngay ở ven biển cũng bị ngập thì ông Đông cho rằng đó là do thoát nước không kịp. Ví dụ, đợt mưa vừa qua, nước ở con suối ở phía trước khách sạn của ông dâng lên nhanh rồi trút vào khách sạn ông.
Đi thực tế và quan sát thì chúng tôi thấy con suối mà ông Đông đề cập chảy qua đường Trần Hưng Đạo, phía dưới cầu Ba Phong. Cây cầu này dài khoảng gần 2 chục mét. Trên đầu cầu có cắm biển: Khu vực cấm đổ chất thải với mức xử phạt đe từ 2 triệu đến 250 triệu và tịch thu phương tiện vi phạm. Trớ trêu thay dưới tấm biển đó là vô số rác thải.
Có thể hình dung những trận mưa lớn sẽ dễ dàng cuốn rác thải xuống suối và ngăn chặn dòng chảy. Nguy hiểm hơn là xuôi theo dòng suối khoảng trăm mét thì con suối hẹp này phải chui xuống hầm của các công trình – nơi vật liệu xây dựng cũng có thể gây tắc nghẽn, đe dọa đến dòng chảy.
Ông Đông cho biết chính quyền chỉ cấp phép cho các công trình được bắc cầu qua suối tạo đường đi lại. Thế nhưng, chủ các công trình lại được thể xây dựng luôn lên trên cả mặt suối. Mặt suối không chỉ bị bóp dòng từ 2 bên mà còn bị chiếm dụng luôn phía trên và bỗng trở thành những cái cống thật sự.
Quan sát tại hiện trường thì có thể thấy phía trước khuôn viên resort Haveda, dòng suối đã được “đậy nắp” tạo thành mặt bằng những tấm ván nhưng vẫn có thể gỡ bỏ. Đến gần khu vực có tòa nhà ghi The Palmy Resort thì dòng suối được “đậy nắp” bằng bê tông hay ván kiên cố. Thậm chí, trên nắp kiên cố đó được dựng thành nhà hàng luôn. Về mặt kinh doanh thì đây quả là chiêu nhất cử lưỡng tiện: vừa có mặt bằng để kinh doanh mà lại vừa che được suối nhiều chất thải phía dưới. Tuy nhiên, về mặt môi trường thì đây lại là thảm họa
2 bên cầu qua suối dẫn vào khu nhà The Palmy Resort đều được biến thành nhà hàng
Một câu hỏi được đặt ra là nếu rác từ trên bờ (vốn nhan nhản từ cầu Bà Phong) và nhất là vật liệu xây dựng từ các công trình xung quanh khi mưa lớn sẽ đổ xuống suối mà mắc kẹt dưới suối thì điều gì sẽ xảy ra. Suối thoát nước khi đó bị bịt kín và khó có thể tiến hành khơi thông sẽ tiếp tục gây ngập lụt cho khu vực. Thậm chí, ngay cả khi ở điều kiện bình thường thì việc nạo vét, thông tắc cho suối cũng khó tiến hành khi bị mất không gian ở phía trên.
Tình trạng trên chính quyền có biết hay không? Ông Đông cho biết từ cuối năm ngoái, ông đã phản ánh tình hình xây lấp san dựng lòng suối tại Cửa Lấp lên UBND xã Dương Tơ và UBND huyện Phú Quốc. Tổ tiếp dân của huyện Phú Quốc cũng đã có giấy biên nhận hồ sơ của ông Đông. Thế nhưng suốt 8 tháng qua, chẳng hiểu vì lý do gì mà việc san lấp suối qua cầu Bà Phong chẳng những không giảm mà còn nhộn nhịp hơn.
Tình trạng lấn suối không chỉ ở suối qua cầu Bà Phong mà cách đó không xa, con suối qua cầu Bà Kèo cũng trong tình trạng dòng chảy bị thu hẹp. Thời điểm cách đây ít ngày, vẫn quan sát được cả đống bê tông hình chữ U được đúc sẵn nằm dưới con suối. Khối bê tông hình chữ U này khá hợp để đặt làm cống nhưng dường như nó quá nhỏ để thoát nước khi chịu mưa lớn.
Trả lời báo chí (*), ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cũng thừa nhận công tác quản lý xây dựng, đô thị bộc lộ yếu kém hoặc không xử lý kịp thời những trường hợp người dân tự ý bao chiếm, xây dựng công trình lấn suối, tôn nền ít nhiều cũng làm cản trở ảnh hưởng đến dòng chảy... Ông Huỳnh cũng hứa rằng: "Thời gian tới, các ban, ngành chức năng của huyện Phú Quốc sẽ thực hiện khơi thông dòng chảy, động viên người dân tự giác tháo gỡ những công trình xây cất trái phép hoặc buộc phải cưỡng chế”.
Hy vọng ông Huỳnh và chính quyền các cấp ở Phú Quốc sẽ làm quyết liệt với những công trình kiểu như ở suối qua cầu Bà Phong đề cập trên. Bởi nếu không quyết liệt dẹp bỏ tình trạng bóp nghẹt dòng chảy như vậy thì khi gặp mưa lớn trong thời gian tới, nhiều nơi trên đảo ngọc Phú Quốc sẽ lại chìm trong nước.
T. Anh
(*) bài "Ngập lụt lịch sử tại Phú Quốc gây thiệt hại hơn 107 tỷ đồng" trên Hà Nội mới