Ngày 10/5, ASEAN có thêm 17.869 bệnh nhân COVID-19

Trong ngày 10/5, các nước ASEAN ghi nhận thêm 17.869 ca bệnh COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tại khu vực tăng lên 3.589.219 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP

Đến nay, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 71.312 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 341 ca so với 1 ngày trước.

Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới, 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia.

Dù tình hình tại Indonesia đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây nhưng quốc gia này vẫn là một trong những ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN. Ngày 10/5, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai (lần lượt là 206 và 4.891 ca).

Trong ngày hôm qua, Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC-PEN) của Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này có kế hoạch kéo dài lệnh hạn chế hoạt động quy mô nhỏ (PPKM) tới hết tháng 5 này.

Theo Bộ trưởng Airlangga, hoạt động di chuyển của người dân đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Các ca mắc COVID-19 cũng gia tăng trở lại tại 11 tỉnh, thành, trong đó 5 địa phương tăng khá mạnh gồm Quần đảo Riau, Riau, Nam Sumatra, Aceh, và Tây Kalimantan. Ông Airlangga khẳng định ngoài việc kéo dài PPKM, Chính phủ Indonesia cũng đang chuẩn bị các cơ sở y tế nhằm dự phòng sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin tiết lộ rằng 70.000 giường cách ly và 23.000 giường điều trị đặc biệt (ICU) đã chuẩn bị sẵn sàng để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, nước này sẽ tăng cường chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, với mục tiêu tiêm 1 triệu liều mỗi ngày.

Quốc gia này đã đặt hàng tổng cộng 426 triệu liều vaccine với nhiều hãng dược phẩm quốc tế, trong đó có Sinovac, AstraZaneca, Pfizer và Novavax. Chi phí tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên “Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau)” là 500.000 rupiah (35,2 USD) mỗi liều.

Tại Philippines, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát nghiêm trọng trở lại, biến nước này thành ổ dịch nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới trong ngày hôm qua là 6.846 ca, cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia (4.891 ca) và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Số ca tử vong ghi nhận tại Philippines là 90 trường hợp trong ngày 10/5, đưa tổng số ca tử vong tới nay lên con số 18.562 người.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 10/5, nước này ghi nhận thêm 1.630 ca bệnh mới và có 22 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi ngày hôm qua, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 506 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới, chỉ có 11 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 19.743 ca mắc COVID-19, trong đó có 19.165 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2/2021” và 126 người tử vong.

Bộ Y tế Lào chiều 10/5 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 25 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 4/18 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á trong 18 ngày qua.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.327 ca nhiễm COVID-19, trong đó gần 1.300 được phát hiện từ đầu tháng 4 và phần lớn là lây nhiễm cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 237 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong do COVID-19.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-10-5-asean-co-them-17869-benh-nhan-covid-19-post132742.html