Ngày 14/6, Việt Nam không thêm ca mắc mới COVID-19; cần đẩy nhanh việc hỗ trợ và đề nghị hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng
Ngày 14/6, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Các chương trình nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, cá chương trình này có nơi còn triển khai chậm, thậm chí chính người được hỗ trợ cũng không nhanh chóng nộp đơn đề nghị.
Tròn 59 ngày không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng
Trong ngày 14/6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 334 ca mắc.
Như vậy, đã tròn 59 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 10.271, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 189; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.138; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 944 trường hợp.
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 323 người khỏi bệnh, tương ứng với 97% tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta.Việt Nam chỉ còn 11 bệnh nhân mắc COVID -19 đang điều trị; trong đó có 1 trường hợp nặng nhất là phi công người Anh nhưng bệnh nhân này cũng đang có sự phục hồi thần kỳ.
Chậm triển khai chính sách hỗ trợ
Bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho biết thực tế: Chính phủ đã ban hành chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhưng quá trình tổ chức thực hiện các chính sách vẫn còn chậm đi vào cuộc sống.
Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp giải quyết bất cập, vướng mắc giúp cho doanh nghiệp, người dân, người lao động để tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách của nhà nước. Đồng thời, có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vượt khó, ổn định và phát triển.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng: Việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập. Những quy định pháp luật thiếu thống nhất, chồng chéo, không phù hợp và cũng đã được phát hiện và sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập cũng còn chậm và một số dự án luật cho đến nay có hiện tượng có thêm giấy phép và thủ tục hành chính, tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên, chưa thực sự thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương.
Mất quyền lợi gian hạn nộp thuế nếu chậm nộp đề nghị
Tính đến nay, Tổng cục thuế mới chỉ tiếp nhận được 138.842 giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế (đạt khoảng 20%). Trong khi thời hạn gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất phải hoàn tất trước ngày 30/7.
Lý giải số doanh nghiệp đăng ký, kê khai xin gia hạn thuế đạt tỷ lệ thấp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), cho hay: Khi triển khai Nghị định 41, ngành thuế đã triển khai nhiều kênh, hầu hết NNT đều nắm bắt được chính sách và nếu thuộc diện được gia hạn thì sẽ đăng ký. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm hồ sơ gia hạn rất thấp bởi họ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP rất đơn giản. Người nộp thuế không phải đến trực tiếp cơ quan thuế, mà có thể gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, bưu điện. "Do thời hạn cuối cùng theo Nghị định là ngày 30/7 nên các doanh nghiệp, người nộp thuế vẫn ung dung. Nếu chậm trễ, doanh nghiệp có thể sẽ bị mất quyền lợi. Doanh nghiệp cần phải làm ngay giấy đề nghị gia hạn và cần phải bỏ thói quen ‘nước đến chân mới nhảy”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.