Ngày 16/7, Việt Nam có 3.329 ca mắc COVID-19, Hà Nội phong tỏa tạm thời trụ sở Bộ Công Thương và Viện Cơ khí Năng lượng - Mỏ

Tính từ 6 giờ đến 20 giờ ngày 16/7, Việt Nam ghi nhận 3329 ca mắc mới COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh có 2.420 ca. Hà Nội phong tỏa tạm thời Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN; trụ sở Bộ Công Thương.

Nhân viên Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 10/7. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nhân viên Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 10/7. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nếu dịch chưa giảm

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đạt được mục ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, Thành phố cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg một thời gian nữa sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi, sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt một số kết quả quan trọng. Từ ngày 9/7 đến nay, Thành phố phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.

Tính đến 16 giờ ngày 16/7, các cơ sở điều trị COVID-19 đang điều trị cho 20.411 bệnh nhân; có 722 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều biện pháp về tăng cường năng lực cách ly, giám sát trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa; phát huy tổ giám sát tuyên truyền phòng, chống dịch tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa; yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly hộ gia đình…

Riêng về năng lực điều trị, dưới áp lực gia tăng của các ca bệnh, ba ngày qua, Thành phố đã sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 tòa nhà chung cư làm bệnh viện dã chiến, đồng thời đưa vào sử dụng 1 bệnh viện với 1.000 giường hồi sức; chuẩn bị 39.240 giường tại 23 bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao, mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Do đó, Thành phố đang tiếp tục tranh thủ “thời gian vàng” còn lại để khống chế dịch bệnh, đồng thời đưa ra 3 kịch bản dịch có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Cụ thể, kịch bản thứ nhất là Thành phố Hồ Chí Minh thành công ngăn chặn, kiểm soát được dịch COVID-19. Lúc này sẽ xem xét việc thực hiện Chỉ thị 16 trong thời gian tiếp theo như thế nào; có thể là vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, hoặc chuyển sang Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến của dịch. Kịch bản thứ 2 là Thành phố Hồ Chí Minh chưa kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16 “cộng” ở một số địa bàn. Kịch bản thứ 3 là tình huống xấu nhất không ai mong muốn, đó là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát.

Đối mặt với tình huống này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải tính đến phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.

Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố cũng đã có sự chuẩn bị cho từng kịch bản cụ thể. Trong đó, Thành phố tập trung xét nghiệm tầm soát F0, cách ly, thu dung điều trị; hình thành trung tâm giám sát điều trị COVID-19, tập trung mọi nguồn lực điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nặng và rất nặng, giảm tối đa trường hợp tử vong; tiếp tục triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn cho những đối tượng có nguy cơ cao, như: người lớn tuổi, người thường xuyên phải di chuyển nhiều, công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Về việc cách ly, điều trị các trường hợp F0 và F1, Thành phố sẽ hình thành quy trình, cơ chế phối hợp theo mô hình “tháp 4 tầng”. Theo đó, hầu hết các trường hợp F1 và F0 không có triệu chứng sẽ được giám sát bằng công nghệ, cách ly điều trị tại nhà. Chỉ có những F0 có triệu chứng hoặc bệnh nền mới được chuyển đến cơ sở y tế để điều trị; nếu F0 có chuyển biến nặng, chuyển đến bệnh viện tuyến trên.

Thực hiện theo cách làm này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế của Thành phố, tập trung điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng; đồng thời đảm bảo F0 không có triệu chứng được giám sát tại cộng đồng nhưng khi có tình huống xấu sẽ được đưa đến cơ sở y tế để điều trị nhanh chóng.

Tính đến ngày 15/7, Thành phố đang thực hiện cách ly thí điểm 2.058 trường hợp F1 tại nhà ở các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức. Liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hóa, ông Phan Văn Mãi cho biết, dù thời gian qua ngành công thương đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Do đó, thời gian tới, Thành phố tiếp tục huy động nguồn lực, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu đủ cho nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để tạo điều kiện cho tiểu thương, thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận lượng hàng hóa trung bình khoảng 4.500 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm; hình thành các điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm nguồn nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên tặng quà cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ và người dân đang cách ly tập trung tại Ký túc xá trường Đại học Văn hóa (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên tặng quà cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ và người dân đang cách ly tập trung tại Ký túc xá trường Đại học Văn hóa (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Ngày 16/7, Bộ Y tế đã có văn bản số 5683/BYT-DP gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác tiêm chủng. Văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện C Đà Nẵng; Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế và Đại học Y Dược Cần Thơ.

Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố và các đơn vị, sau hơn 4 tháng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, cả nước đã tiêm được 4.156.140 liều, trong đó có 3.556.332 người đã được tiêm 1 liều vaccine và 299.904 người tiêm đủ 2 liều vaccine. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm chủng. Ngày 8/7, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-2022, trong đó đã bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cung ứng vaccine và hướng dẫn tổ chức tiêm chủng sử dụng đồng thời nhiều loại vaccine từ các nguồn cung ứng, có điều kiện bảo quản khác nhau. Để đảm bảo sử dụng vaccine an toàn và hiệu quả; hỗ trợ các đơn vị tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện các nội dung gồm: Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thực hiện việc lập kế hoạch chi tiết để triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế với nhiều loại vaccine khác nhau; ưu tiên tiêm chủng sớm cho các đối tượng được huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 3338/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế. Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế để sắp xếp ưu tiên tiêm cho các đối tượng bao gồm đối tượng là người nước ngoài trên địa bàn nếu thuộc đối tượng ưu tiên.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng và thực hiện báo cáo theo quy định.

Phong tỏa tạm thời tòa nhà 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Phong tỏa tạm thời tòa nhà 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Hà Nội phong tỏa tạm thời Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN; trụ sở Bộ Công Thương

Liên quan đến 3 trường hợp mắc COVID-19 vừa được công bố ngày 16/7, thành phố Hà Nội đã tiến hành phong tỏa tạm thời Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN và trụ sở Bộ Công Thương.

Ba trường hợp mắc COVID-19 làm cùng Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN là N.T.H.N, nữ, sinh năm 1980, địa chỉ tại khu tái định cư Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), liên quan đến Bắc Ninh; N.Đ.M, nam, sinh năm 1986, địa chỉ Nghĩa Đô, Cầu Giấy và T.H.T, nữ, sinh năm 1991, địa chỉ Mộ Lao, Hà Đông đều là F1 của chị N.T.H.N. Hiện các đơn vị chức năng đã phong tỏa tạm thời toàn bộ Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN (565 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) trong thời gian 7 ngày để phục vụ truy vết liên quan ca mắc COVID-19, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan bệnh nhân COVID-19 làm việc tại Viện.

Chiều 16/7, lực lượng chức năng cũng đã tạm phong tỏa trụ sở Bộ Công thương (25 Ngô Quyền, Hà Nội) vì có cán bộ của một Cục thuộc bộ này tiếp xúc với 1 người mắc COVID-19 (ông N.Đ.M, công tác tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN). Các ca F0 đã được đưa đến bệnh viện cách ly, điều trị. Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân đã điều tra và lấy mẫu xét nghiệm cho 50 trường hợp F1 tại cơ quan (3 trường hợp F1 còn lại lấy mẫu tại nơi khác) và 30 trường hợp liên quan; đồng thời xét nghiệm sàng lọc 130 cán bộ làm việc tại 2 Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN; Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ; khử khuẩn toàn bộ cơ quan nơi F0 đến làm việc; đưa 50 trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì).

Tại trụ sở Bộ Công Thương, chiều 16/7, cơ quan chức năng y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các cán bộ, nhân viên liên quan.

Các bác sỹ, kỹ thuật viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Phú Yên thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Các bác sỹ, kỹ thuật viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Phú Yên thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Bắc Ninh phấn đấu trên 70% dân số được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 sau quý I/2022

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, nhằm chủ động phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng có nguy cơ và nhân dân trên địa bàn. Tỉnh phấn đấu trong năm 2021, tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine phòng COVID-19; đến hết quý I/2022, trên 70% dân số toàn tỉnh được tiêm phòng.

Theo đó, Bắc Ninh sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022; ưu tiên các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng tiêm vaccine cho người mắc các bệnh mãn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; các chức sắc, chức việc tôn giáo; người lao động tự do; tiêm mũi 2 cho đối tượng đã tiêm mũi 1.

Tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung, điều chỉnh theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào lượng vaccine được cấp và tiến độ tiêm thực tế. Theo kế hoạch, Bắc Ninh sẽ triển khai tiêm trên quy mô toàn tỉnh, tuy nhiên sẽ ưu tiên các địa bàn, khu vực đang có dịch; các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp tập trung đông công nhân và dân cư; địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà trọ; địa bàn trọng điểm, có giao lưu đi lại lớn.

Để đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, tỉnh Bắc Ninh thành lập 46 điểm tiêm và đoàn tiêm lưu động với khoảng 167 bàn tiêm, trong đó gồm 15 điểm tiêm cố định, 31 đoàn tiêm lưu động. Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện và huy động các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tham gia triển khai chiến dịch; tổ chức các lớp tập huấn về tiêm vaccine phòng COVID-19.

Các đơn vị trong ngành Y tế tập trung nguồn lực triển khai chiến dịch để đạt được mục tiêu và bảo đảm an toàn, hiệu quả. Nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương; Quỹ vaccine phòng COVID-19; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác đối với Trung ương và địa phương.

Trước đó, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 4 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 với trên 250.000 liều cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và công nhân, người lao động, các chủ nhà trọ.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-167-viet-nam-co-3329-ca-mac-covid19-ha-noi-phong-toa-tam-thoi-tru-so-bo-cong-thuong-va-vien-co-khi-nang-luong-mo-20210716204508127.htm