Ngày 18/3: Số ca COVID-19 tử vong giảm, cả nước có thêm 163.174 ca mắc mới

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 17/3 đến 16h ngày 18/3 ghi nhận 163.174 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh.

Số bệnh nhân mắc mới của Hà Nội giảm

Các tỉnh ghi nhận nhiều gồm Hà Nội (23.578), Nghệ An (9.968), Phú Thọ (8.042), Bắc Ninh (6.488), Lạng Sơn (5.011), Lào Cai (4.671), Đắk Lắk (4.460), Hải Dương (4.407), Tuyên Quang (4.389);

Sơn La (4.198), Vĩnh Phúc (3.995), Hòa Bình (3.960), Hưng Yên (3.849), Quảng Bình (3.590), Cà Mau (3.160), Điện Biên (3.097), Thái Bình (3.074), Yên Bái (3.062), Bình Dương (3.060), Bình Định (2.965);

Thái Nguyên (2.899), Quảng Ninh (2.889), Lâm Đồng (2.729), Bắc Giang (2.723), Lai Châu (2.658), Cao Bằng (2.656), Bến Tre (2.572), Quảng Trị (2.285), TP. Hồ Chí Minh (2.246), Hà Nam (2.105), Hà Giang (2.068).

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 170.600 ca/ngày. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 175.971 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.144 ca. Từ 17h30 ngày 17/3 đến 17h30 ngày 18/3 ghi nhận 57 ca tử vong.

Yêu cầu kiểm điểm vì mua chậm vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long truyền đạt ý kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm điểm việc mua vắc xin cho trẻ em.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm việc mua vắc xin trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành ngay trong tuần này.

Đến nay, Thủ tướng đã 3 lần trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế phải rà soát, kiểm tra, thanh tra nội bộ và kiểm điểm về việc để chậm trễ trong việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Những triệu chứng có thể gặp hậu COVID-19

Thực tế, hầu hết những người bị COVID-19 đều khỏe dần lại trong vòng vài tuần sau khi bị bệnh, nhưng một số người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID-19.

Tình trạng hậu COVID-19 là một loạt các vấn đề sức khỏe mới mà người bệnh có thể gặp trong 4 tuần trở lên sau lần đầu tiên bị nhiễm COVID-19. Ngay cả những người mắc COVID không triệu chứng cũng có thể gặp phải tình trạng hậu COVID.

Nó có thể biểu hiện dưới các triệu chứng sau: Khó thở hoặc thở gấp; mệt mỏi; các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần (còn được gọi là tình trạng khó chịu sau gắng sức);

Khó suy nghĩ hoặc tập trung (đôi khi được gọi là "sương mù não"); Ho; Đau ngực hoặc đau dạ dày; Đau đầu; Tim đập nhanh hoặc đập mạnh (còn được gọi là tim đập nhanh); Đau khớp hoặc cơ; Tiêu chảy;

Các vấn đề về giấc ngủ; Sốt; Chóng mặt khi đứng (lâng lâng); Phát ban; Thay đổi tâm trạng; Thay đổi khứu giác hoặc vị giác; Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt…

Một số người bị COVID-19 nặng bị ảnh hưởng đa cơ quan hoặc tình trạng tự miễn dịch trong thời gian dài hơn với các triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau khi mắc COVID-19.

Tác động đa cơ quan có thể ảnh hưởng đến nhiều, thậm chí tất cả cơ thể, bao gồm cả chức năng tim, phổi, thận, da và não.

Tình trạng tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây viêm (sưng) hoặc tổn thương mô ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể.

Dự báo số ca tử vong do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh sẽ nhích lên trong thời gian tới

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh dự báo, số ca thở máy tăng có thể dẫn tới số ca tử vong sẽ nhích lên trong thời gian tới; hiện nay, số ca tử vong dao động từ 1-3 trường hợp/ngày. Qua phân tích 63 trường hợp nặng, Sở Y tế TPHCM ghi nhận 60 trường hợp có bệnh nền. Trong đó, 6 trường hợp (chiếm 10%) không biết mình có bệnh lý nền cho đến khi nhập viện; gần 43% các trường hợp thở máy do bệnh nền, bệnh cấp tính, không phải do Covid-19; gần 56% thở máy do COVID-19 nặng.

Đặc biệt, chỉ có 5 trường hợp (trong số 63 trường hợp) sử dụng thuốc Molnupiravir trước khi nhập viện. Gần 67% trường hợp không thông báo y tế địa phương khi biết mình mắc bệnh và không điều trị Molnupiravir trước nhập viện. Hầu hết các ca bệnh nặng là người thuộc nhóm nguy cơ nhưng có đến 65% chưa có tên trong danh sách người thuộc nhóm nguy cơ tại các địa phương.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-18-3-so-ca-covid-19-tu-vong-giam-ca-nuoc-co-them-163174-ca-mac-moi-post186118.html