Ngày 23/7: Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức tiếp tay cho tội phạm; thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu

Thông tin đáng chú ý trong ngày 23/7 là sự kiện Thủ tướng làm việc với hai tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông về giải ngân vốn đầu tư công; Yêu cầu kiên quyết xử lý cán bộ, công chức tiếp tay cho tội phạm; Xóa bỏ sổ hộ khẩu gắn với thay đổi phương thức quản lý cư trú.

Thủ tướng làm việc với tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông về giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận báo cáo, đến 30/6 đã giải ngân 38,4% trong tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách (hơn 3.000 tỷ đồng) và cập nhật đến ngày 21/7 là hơn 42%. Tỉnh cho biết, trong số các công trình trọng điểm của Trung ương, Bình Thuận tập trung vào đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn với chiều dài 160,3 km. Đến nay, tỉnh đã giao 93% mặt bằng cho ban quản lý dự án và giải ngân được 71,3% số vốn đầu tư. Bình Thuận khẳng định, cuối tháng 8 tới tỉnh có thể giao mặt bằng để khởi công 2 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tỉnh Bình Thuận bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Theo Thủ tướng, Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh trong việc phát triển như đất đai rộng lớn, con người cần cù, có truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, có cảng nước sâu, ngư trường lớn, có khoáng sản, năng lượng tái tạo… Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh quyết tâm rất cao trong khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển. GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm nay Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 18.

Đối với tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng nêu rõ, Đắk Nông có vị trí chiến lược quan trọng đối với đất nước, đặc biệt với khu vực Tây Nguyên. Đây là tỉnh xa xôi, mới được chia tách, nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có điều kiện phát triển. Do đó, Đắk Nông rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của Trung ương.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Đắk Nông mới đạt khoảng 35%. Thủ tướng yêu cầu tỉnh nỗ lực nhiều hơn nữa, chủ động kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm giải ngân 100% vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn. Số lượng vốn cần giải ngân của Đắk Nông không phải là nhiều và Thủ tướng không muốn phải điều chuyển nguồn vốn của tỉnh sang địa phương khác. Tỉnh cần có chương trình hành động cụ thể về vấn đề này.

Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức tiếp tay cho tội phạm

Sáng 23/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2020, nhìn chung, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác phòng, chống tội phạm đã tập trung vào việc chỉ đạo giải quyết vấn đề phát sinh gây bức xúc trong nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4% số vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, điều tra, khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm tín dụng đen, xã hội đen; nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao…

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành; đã phát hiện, xử lý thành công nhiều đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỉ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu; chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

"Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa biến chất" - Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và dự án có chất lượng vào Việt Nam

Sáng 23/7, tại trụ sở Chính phủ, Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ Công tác.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, hiện nay, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế cạnh tranh sẵn có; cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư; vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng; cùng với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tích cực, hiệu quả.

Nhấn mạnh đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, phù hợp với nhu cầu của đất nước, Phó Thủ tướng lưu ý cần nhận diện rõ, xử lý thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài; có hành động, giải pháp đột phá, kịp thời thu hút dòng vốn.

Phó Thủ tướng nêu rõ, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác của Việt Nam; có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Đánh giá toàn diện việc xóa sổ hộ khẩu và điều kiện riêng đăng ký thường trú

Ý kiến này được thống nhất cao tại hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ngày 23/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu nhất trí cao về chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang hình thức quản lý hiện đại thông qua công nghệ thông tin, cụ thể là bằng số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, các đại biểu đều quan ngại về tính khả thi khi thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/7/2021; cho rằng cần xác định rõ lộ trình, cách thức triển khai phương thức quản lý mới theo thực tiễn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, việc xóa bỏ sổ hộ khẩu gắn với thay đổi phương thức quản lý cư trú là chủ trương đúng đắn. Nhưng trên thực tế hiện nay có rất nhiều giao dịch xã hội đi kèm với sổ hộ khẩu như mua bán nhà, điện, nước... Nếu không làm tốt việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, kết nối thông tin trước khi xóa bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ dẫn đến bất cập xã hội.

Một số đại biểu cho rằng hiện nay còn tới 27 loại giấy tờ của người dân cần phải có sổ hộ khẩu, vì vậy việc xóa bỏ sổ hộ khẩu cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Bộ Công an có trách nhiệm xác đinh rõ thời điểm hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cũng như tính bảo mật thông tin của người dân trong các giao dịch dân sự khi sử dụng số định danh cá nhân. Chỉ khi nào các điều kiện về xây dựng, kết nối sử dụng dữ liệu Quốc gia về dân cư hoàn thành thì mới xóa bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu.

Một vấn đề lớn được nhiều đại biểu tập trung thảo luận và có ý kiến không đồng nhất liên quan đến việc có nên xóa bỏ điều kiện riêng khi đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “đăng ký thường trú” không thực sự gắn với “thường trú”, khi người dân dù không được đăng ký thường trú nhưng vẫn sinh sống ổn định tại các thành phố. Đô thị lớn là nơi có thu nhập cao, có những bộ phận dân cư đóng thuế cao và họ xứng đáng được hưởng điều kiện tốt trong khu vực sinh sống.

XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-237-kien-quyet-xu-ly-can-bo-cong-chuc-tiep-tay-cho-toi-pham-thay-doi-phuong-thuc-quan-ly-cu-tru-tu-so-ho-khau-20200723203341361.htm