Ngày 25-6, tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 sẽ mang mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái đất

Ngày 2-6, Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) tuyên bố, tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng và sẽ thu thập các mẫu vật từ địa hình hiếm được khám phá này.

Tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 chuẩn bị hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 chuẩn bị hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo Tân Hoa xã, với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2, tổ hợp tàu đổ bộ/cất cánh Hằng Nga - 6 đã hạ cánh thành công xuống khu vực chỉ định ở lưu vực Nam Cực - Aiken (SPA) lúc 6h23 sáng (giờ Bắc Kinh). Đây là lần đầu tiên, con người thực hiện sứ mệnh này trong lịch sử thám hiểm Mặt trăng.

Hằng Nga - 6 bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu quay trở lại, một tàu đổ bộ và một cất cánh. Kể từ khi phóng lên quỹ đạo vào ngày 3-5, nó đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau như chuyển tiếp quỹ đạo Trái đất - Mặt trăng, phanh gần Mặt trăng, quay quanh Mặt trăng và hạ cánh.

Trong quá trình hạ cánh, hệ thống tránh chướng ngại vật trực quan tự động đã được sử dụng để chọn khu vực hạ cánh tương đối an toàn. Sau đó, tổ hợp tàu bay lơ lửng cách khu vực hạ cánh khoảng 100 mét và sử dụng máy quét 3D laser để phát hiện chướng ngại vật trên bề mặt Mặt trăng và xác định địa điểm hạ cánh cuối cùng theo phương thẳng đứng.

Để tránh nhiễu cảm biến quang học bởi bụi Mặt trăng trong quá trình hạ cánh, tàu đổ bộ còn được trang bị cảm biến tia gamma để đo chính xác độ cao, đảm bảo động cơ có thể tắt đúng giờ và tàu đổ bộ có thể chạm đất một cách êm ái.

Địa điểm hạ cánh là một miệng núi lửa được gọi là Lưu vực Apollo, nằm trong Lưu vực SPA. Các chuyên gia hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, lựa chọn này được đưa ra dựa trên giá trị tiềm năng của Lưu vực Apollo, cũng như các điều kiện của khu vực hạ cánh, bao gồm các điều kiện liên lạc và đo từ xa cũng như độ bằng phẳng của địa hình.

Tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa xã.

Hằng Nga - 6 được giao nhiệm vụ thu thập và đưa các mẫu vật trở về Trái đất. Nó đã đạt được một bước đột phá trong công nghệ thiết kế và kiểm soát quỹ đạo lùi xa của Mặt trăng để thực hiện quy trình lấy mẫu thông minh và nhanh chóng, cũng như cất cánh bay lên từ phía tối của Mặt trăng.

Hằng Nga - 6 dự kiến sẽ hoàn thành việc thu thập khoảng 2kg mẫu vật trong vòng 2 ngày. Các mẫu vật sẽ được chuyển đến một tên lửa đẩy trên tàu đổ bộ, phóng trở lại vũ trụ, rồi kết nối với một tàu vũ trụ khác trên quỹ đạo Mặt trăng và quay trở lại quỹ đạo Trái đất. Tàu dự kiến hạ cánh xuống khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào ngày 25-6.

Nhân viên kỹ thuật làm việc tại Trung tâm Kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BACC) ngày 2-6 khi tàu Hằng Nga - 6 hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa xã.

Nhân viên kỹ thuật làm việc tại Trung tâm Kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BACC) ngày 2-6 khi tàu Hằng Nga - 6 hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa xã.

Các mẫu vật sẽ cung cấp cho Trung Quốc hồ sơ về lịch sử 4,5 tỷ năm của Mặt trăng và manh mối mới về sự hình thành của hệ Mặt trời. Nó cũng giúp con người thực hiện sự so sánh chưa từng có giữa vùng tối và vùng sáng của Mặt trăng để hiểu rõ hơn về Trái đất.

Cuộc đổ bộ của Hằng Nga - 6 đã nâng cao vị thế cường quốc không gian của Trung Quốc trong cuộc đua thám hiểm vũ trụ để duy trì các sứ mệnh phi hành gia dài hạn và thiết lập căn cứ trên Mặt trăng trong thập kỷ tới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngay-25-6-tau-vu-tru-hang-nga-6-se-mang-mau-vat-tu-mat-trang-ve-trai-dat-668138.html