Ngày 26/5, ASEAN ghi nhận 21.516 ca mắc COVID-19 và 406 ca tử vong
Theo thống kê của trang worldometers.info, trong ngày 26/5, các nước ASEAN ghi nhận thêm 21.516 ca mắc COVID-19 và 406 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Subang Jaya, Selangor, Malaysia. Ảnh: THX
Đến nay, tổng số ca bệnh COVID-19 trong khu vực ASEAN đã tăng lên 3.903.113 ca trong khi số ca tử vong được ghi nhận là 76.747 trường hợp.
Indonesia vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á với số ca bệnh mới trong ngày hôm qua là 5.034 và thêm 144 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh ở nước này hiện là 1.791.221 ca và đã có 49.771 người tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Tại Philippines, trong ngày 26/5, nước này có thêm 5.310 ca bệnh và 150 ca tử vong. Đồng thời, số ca mắc COVID-19 đã ghi nhận được kể từ đầu dịch là 1.193.976 và đã có 20.169 người không qua khỏi.
Trong khi đó, Malaysia có số ca bệnh mới phát sinh cao nhất trong khu vực, với 7.478 ca được ghi nhận trong ngày hôm qua cùng với 63 ca tử vong. Số ca bệnh tai nước này đã vượt qua nửa triệu (533.367 ca) và số trường hợp tử vong hiện là 2.432 người.
Những ngày gần đây, Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc cho tới hết tháng 6 để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan.
Đáng chú ý, số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc ở trẻ em và trẻ sơ sinh đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob trẻ em và trẻ sơ sinh hiện trở thành nhóm có nguy cơ cao thứ hai, chỉ sau nhóm người cao tuổi. Ông Ismail Sabri Yaakob cho biết đã có 48.261 trẻ em tại Malaysia bị nhiễm COVID-19, trong đó có 6.290 là trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Ngày 26/5, nhà chức trách Thái Lan công bố số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 41 ca, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 873 ca kể từ đầu dịch. Thái Lan cũng công bố thêm 2.455 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 137.894 ca.
Chính quyền Thái Lan ngày 26/5 cho biết nước này sẽ sửa đổi chiến lược tiêm chủng quốc gia, đặt trọng tâm vào các vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất và nơi các ổ dịch có nhiều khả năng xuất hiện nhất, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng thấp trong khi đất nước đang đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Chính phủ Thái Lan mới đây cũng đã quyết định kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai của vaccine AstraZeneca lên 16 tuần, thay vì 10 tuần như trước đây, nhưng khẳng định việc trì hoãn sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến phản ứng miễn dịch với COVID-19.
Dự kiến, Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng đại trà từ tháng tới. Trong số hơn 66 triệu người dân Thái Lan, đến nay mới chỉ 2,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cảnh báo tình trạng thiếu hụt vaccine có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng quốc gia. FTI kêu gọi chính phủ cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu thêm vaccine từ nhiều nhãn hiệu khác nhau, trong khi những tin tức gần đây cho thấy một số bệnh viện đã đình chỉ việc tiêm chủng bằng vaccine AstraZeneca do tình trạng khan hiếm vaccine này.
Campuchia ngày 26/5 ghi nhận thêm 660 ca mắc COVID-19, trong đó 626 ca lây nhiễm cộng đồng và 34 ca nhập cảnh. Ngoài ra, con số tử vong đã tăng thêm 7 ca, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 190 ca.
Trong báo cáo cập nhật hàng tuần công bố tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 25/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng Campuchia vẫn là một trong số ít các quốc gia ở Đông Á có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tính trên dân số ở mức thấp. Kể từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 26.989 ca nhiễm, trong đó 19.722 người đã hồi phục.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia đang tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến ngày 24/5/2021, tỷ lệ tiêm phòng tại nước này đã đạt gần 23%, tương đương với 2.280.875 người trên tổng số 10 triệu người dự kiến sẽ được tiêm. Theo số liệu của Ủy ban quốc gia về tiêm phòng COVID-19 của Campuchia, đã có 1.646.994 người được tiêm mũi thứ hai.