Ngày 28/7: Nhân loại đã tiêu thụ hết tài nguyên của năm 2022
Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo ngày 28/7 là ngày nhân loại tiêu thụ hết các tài nguyên mà Trái Đất có thể sản xuất bền vững trong năm nay.
Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo ngày 28/7 là ngày nhân loại tiêu thụ hết các tài nguyên mà Trái Đất có thể sản xuất bền vững trong năm nay, do đó trong thời gian còn lại của năm 2022, con người sẽ sống trong tình trạng thiếu tài nguyên.
Theo Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (GFN) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), “Ngày Trái Đất vượt ngưỡng phục hồi” là thời điểm con người đã sử dụng toàn bộ những gì mà hệ sinh thái có thể tái tạo trong 1 năm.
Chủ tịch GFN Mathis Wackernagel nêu rõ kể từ ngày 1/1 đến 28/7, nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên mà hành tinh xanh có thể đáp ứng trong cả năm 2022. Đó là lý do tại sao ngày 28/7 là “Ngày Trái Đất vượt ngưỡng phục hồi” của năm nay.
Ông Wackernagel nhấn mạnh dù Trái Đất có nhiều tài nguyên để con người có thể sử dụng trong một khoảng thời gian, song sẽ không thể lạm dụng điều này mãi.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu vào đầu những năm 1990, để đáp ứng nhu cầu tài nguyên một cách bền vững cho dân số thế giới, cần phải có lượng tài nguyên gấp 1,75 lần của Trái Đất.
Trong 50 năm qua, “Ngày Trái Đất vượt ngưỡng phục hồi” xuất hiện ngày càng sớm hơn. Vào năm 2020, ngày này đã lùi lại 3 tuần do đại dịch COVID-19, trước khi trở lại như mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, gánh nặng này đang không được chia sẻ đồng đều. Theo ông Wackernagel, nếu tất cả mọi người đều sống theo phong cách tiêu thụ của người Mỹ, ngày này thậm chí còn đến sớm hơn là ngày 13/3.
Cả GFN và WWF đều cho rằng hệ thống sản xuất thực phẩm và tác động của hệ thống đến hệ sinh thái là nguyên nhân chính khiến tài nguyên trên Trái Đất giảm mạnh.
Ước tính khoảng 55% năng suất sinh học (khả năng hệ sinh thái tạo ra những nguyên liệu sinh học hữu dụng và hấp thụ chất thải của con người) của hành tinh được sử dụng để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân loại.
Theo chuyên gia Pierre Cannet của WWF tại Pháp, một lượng lớn lương thực và nguyên liệu được sử dụng để nuôi động vật và sau đó chúng cũng trở thành thức ăn của con người.
Tại Liên minh châu Âu (EU), 63% đất canh tác có liên quan trực tiếp đến sản xuất động vật. Nông nghiệp góp phần dẫn đến tình trạng phá rừng, biến đổi khí hậu khi thải ra khí nhà kính, gây tổn hại đa dạng sinh học và làm suy yếu hệ sinh thái, đồng thời sử dụng lượng lớn nước ngọt trên hành tinh.
Dựa trên khuyến nghị khoa học, GFN và WWF đều ủng hộ giảm tiêu thụ thịt tại những nước giàu. Chuyên gia Laetitia Mailhes của GFN nhấn mạnh thông qua việc giảm 50% mức độ tiêu thụ thịt, “Ngày Trái Đất vượt ngưỡng phục hồi” có thể lùi lại thêm 17 ngày. Trong bối cảnh có 33% thực phẩm trên thế giới đang bị lãng phí, việc hạn chế tình trạng này sẽ giúp cột mốc trên lùi lại thêm 13 ngày./.