Ngày 29/5: Số ca mắc COVID-19 mới chỉ còn 890 ca
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 28/5 đến 16h ngày 29/5 ghi nhận 890 ca nhiễm COVID-19 mới, giảm 224 ca so với ngày hôm qua.
Số ca mắc COVID-19 mới giảm mạnh
Các tỉnh có số ca mắc mới nhiều có Hà Nội (282), Yên Bái (67), Nghệ An (60), Quảng Ninh (46), Vĩnh Phúc (40), Tuyên Quang (39), Phú Thọ (30), Thái Nguyên (30), Đà Nẵng (25), Thái Bình (25), Hòa Bình (21);
Lào Cai (21), Quảng Bình (20), TP. Hồ Chí Minh (18), Hải Phòng (16), Sơn La (16), Quảng Trị (15), Hà Giang (12), Hà Tĩnh (12), Lai Châu (10), Điện Biên (9), Hải Dương (9), Nam Định (8 ), Lâm Đồng (8 ).
Hiện nay số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 1.195 ca/ngày. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.717.251 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.257 ca nhiễm).
Cũng theo Bộ Y tế, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 8.439 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 9.448.352 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 189 ca.
Từ 17h30 ngày 28/5 đến 17h30 ngày 29/5 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 0 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Bệnh đầu mùa khỉ không lây như COVID-19
Trong một cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 26/5, bà Maria Van Kerhove, nhà dịch tễ học cao cấp của WHO, cho biết hiện đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia trước đây không lưu hành dịch bệnh và dự kiến con số này sẽ còn tăng thêm.
"Chúng tôi chờ đợi sẽ có nhiều ca hơn. Chúng tôi đang yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát" - hãng tin Reuters dẫn lời bà Kerhove.
Đậu mùa khỉ là một loại bệnh do virus truyền từ động vật sang người, tương tự như bệnh thủy đậu hoặc đậu mùa.
Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ do lần đầu tiên được phát hiện trên khỉ (macaques), một loại khỉ trong một phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958. Khoảng 12 năm sau (năm 1970), những trường hợp đầu tiên trên người được phát hiện ở CHDC Congo ở Tây Phi.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nêu rõ: "Lây nhiễm đậu mùa khỉ thực sự xảy ra từ việc tiếp xúc gần với cơ thể, da chạm da. Điều này hoàn toàn khác sự lây lan của Covid-19".
Tiến sĩ Boghuma Kabisen Titanji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và virus tại Đại học Emory ở Atlanta nhận định: "Thời kỳ ủ bệnh từ lúc nhiễm tới lúc xuất hiện triệu chứng là từ 5 đến 21 ngày, đây là một khoảng thời gian dài".
Tiến sĩ Jennifer McQuiston thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người có nguy cơ lây nhiễm nhất là người tiếp xúc cá nhân gần với người mắc bệnh, như nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân.
"Trong nhiều năm chúng ta đã thấy rằng cách tốt nhất đối phó với căn bệnh này là cách ly người bệnh để tránh lây lan cho các thành viên gia đình, và chủ động liên hệ với những người đã có tiếp xúc với người bệnh để họ có thể theo dõi nếu xuất hiện các biểu hiện mắc bệnh"- Tiến sĩ Jennifer McQuiston nói.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-29-5-so-ca-mac-covid-19-moi-chi-con-890-ca-post196986.html