Ngày 30/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 93.615 ca COVID-19
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 93.615 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh trong toàn khu vực tăng lên 7.211.847 ca.
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX
Thống kê của worldometers.info cũng cho thấy, đến nay, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 144.592 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.319 ca so với 1 ngày trước. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.844.785 trường hợp.
Toàn khối ASEAN vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới. Có 6 quốc gia thành viên ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Philippines.
Theo trang worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.
Đến nay, Indonesia vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á với số ca bệnh mới phát sinh trong ngày hôm qua là 41.168 và thêm 1.759 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh ở nước này hiện là 3.372.374 ca và đã có 92.311 người tử vong. Trong ngày hôm qua, Indonesia là vẫn nước có số ca tử vong và số ca mắc mới đều cao gấp nhiều lần các quốc gia khác trong khu vực.
Ngày 30/7, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết đang phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đạt được những bước cuối cùng trong việc chuẩn bị xây dựng Trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu tại nước này.
Ông Budi cho biết dự kiến trung tâm này sẽ sản xuất vaccine dựa trên công nghệ DNA và mRNA. Việc lựa chọn các công nghệ này là do hệ thống y tế toàn cầu cần phát triển sản xuất cả hai công nghệ này trong hoạt động sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine Red&White do một số trường đại học và tổ chức y khoa tại Indonesia đang nghiên cứu phát triển. Trong đó, Đại học Airlangga có tiến độ nghiên cứu nhanh nhất nhờ vào việc kết hợp hai công nghệ kể trên để bất hoạt virus. Bộ trưởng Budi cho biết thêm sẽ mời các nhà sinh học phân tử thuộc Đại học Airlangga tham gia nghiên cứu và phát triển vaccine tại Trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu.
Tại Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới hằng ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Ngày 30/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á với 16.840 ca, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 134 người thiệt mạng, đứng thứ ba trong khối ASEAN.
Tại Thái Lan tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 30/7, Thái Lan ghi nhận thêm 17.345 ca bệnh mới (đứng thứ 2 trong khu vực), trong khi số ca tử vong là 117 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng đang ở mức cao.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh của Thái Lan, ông Opas Karnkawinpong cho biết, nếu không có những hạn chế nghiêm ngặt hiện nay, số các mắc COVID-19 hằng ngày tại Thái Lan được dự báo sẽ vượt quá 40.000 ca vào ngày 14/9 và số ca tử vong sẽ vượt qua 500 ca/ngày vào ngày 28/9.
Các biện pháp phong tỏa đang được nhà chức trách Thái Lan áp dụng hiện nay có hiệu lực tại 13 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả Bangkok, từ ngày 20/7 và dự kiến kết thúc vào 2/8. Tuy nhiên, Thái Lan đang xem xét kéo dài việc phong tỏa này.
Tại Philippines, ngày 30/7, nước này có thêm 8.562 ca bệnh, đứng thứ năm trong khu vực và thêm 145 ca tử vong, cao thứ hai trong khối ASEAN. Đồng thời, số ca mắc COVID-19 đã ghi nhận được kể từ đầu dịch là 1.580.824 và đã có 27.722 người thiệt mạng. Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch bệnh có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này.
Tại Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 668 bệnh nhân mới và 25 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất tại Campuchia.