Ngày 4/5: Nhiều ngân hàng trong nước giảm lãi suất bất chấp xu hướng tăng của thế giới
Ngày đầu tiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Lễ, nhiều ngân hàng trong nước đã công bố mức lãi suất giảm so với xu hướng thay đổi lãi suất đang tăng sau quyết định của Cơ quan dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Ngày 4/5, lãi suất của một số ngân hàng Thương mại cổ phần có xu hướng giảm so với trước đó. Cụ thể, các ngân hàng như KienLongBank, NamA Bank, Saigonbank đã niêm yết mức lãi suất huy động giảm.
Giới chuyên gia cho rằng, mức lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ còn giảm và có thể về mức về mức 7%/năm vào cuối năm 2023 khi FED đã phát nhiều tín hiệu về khả năng sẽ không còn bất cứ đợt điều chỉnh tăng nào nữa trong kỳ điều hành gần nhất.
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Theo đó, ngày 4/5, lãi suất của NamA Bank đã điều chỉnh giảm 0,1% xuống 8,5%/năm với các sản phẩm tiết kiệm trực tuyến có kỳ hạn 6 tháng.
Trong khi đó, kỳ hạn 7-8 tháng cũng giảm 0,1% xuống 8,6%/năm, đồng thời các kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,2% xuống 8,4%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được NamA Bank giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13-14 tháng, còn từ kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, NamA Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.
Ngày đầu tiên giao dịch trở lại sau nghỉ Lễ, KienLongBank thông báo giảm mạnh 0,2%-0,4% lãi suất các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% còn 8,1%/năm, kỳ hạn 9 -12 tháng giảm 0,3% còn 8,2%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng giảm 0,4% còn 8%/năm.
Ngân hàng Saigonbank cũng giảm lãi suất huy động kể từ hôm nay, với mức giảm từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-8 tháng. Lãi suất các kỳ hạn từ 9-11 tháng cũng giảm 0,3%, từ 8% về mức 7,7%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Saigonbank đang ở mức 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3%.
Lãi suất kỳ hạn 13 tháng giảm về mức 8,6%/năm. Trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên đều giảm 0,3% về mức 7,6%/năm.
Một số ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất không thay đổi từ 8,8% đến cao nhất là 9% bao gồm các ngân hàng như: ABBank, HDBank và OCB.
Hiệu ứng tốt từ việc giảm lãi suất
Xu hướng giảm lãi suất ở các ngân hàng thương mại sẽ tạo ra nhiều hiệu quả tốt, giúp cho khách hàng cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn và khoản vay.
Điều này, sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn lưu thông, tiền được đẩy mạnh giải ngân ở các "cửa ra" từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, với lãi suất giảm sẽ giúp các chi phí đầu vào cũng giảm do nguồn vốn rẻ hỗ trợ.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây ra những khó khăn cho cán cân lợi nhuận tại các ngân hàng và tăng nguy cơ lạm phát. Nếu doanh thu của các ngân hàng giảm thì lâu dài sẽ ảnh hưởng ngược trở lại các mức lãi suất huy động.
Tuy nhiên, với chủ trương chung của Chính phủ hiện nay, việc giảm lãi suất từ cơ quan điều hành - Ngân hàng Nhà nước là một trong các biện pháp hữu hiệu để giảm chi phí, hạ lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù xu hướng thế giới đang thuận với các nhịp tăng từ tác động chính sách chung của FED, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các biện pháp giữ nguyên chính sách điều hành với mức lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.