Ngày 8/3 của nhân sự chuyển giới nữ

'Danh sách nhận quà 8/3 ở công ty tôi gồm 36 nhân viên, bao gồm một người chuyển giới nữ', chuyên viên HR Minh Nhi (Hà Nội) chia sẻ. Công ty cô từ lâu ủng hộ sự đa dạng giới.

Minh Nhi (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), chuyên viên truyền thông nội bộ tại một công ty công nghệ, không quên thêm tên của nhân sự chuyển giới nữ (trans woman/girl) vào danh sách nhận quà và ăn tiệc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Cô và các đồng nghiệp cũng tinh tế lựa chọn những phần quà phù hợp với cả nhân viên nữ hợp giới và chuyển giới nữ, như kem dưỡng da tay hay những đôi vớ.

Đây không phải lần đầu HR này quan tâm đến những nhân sự thuộc cộng đồng LGBTQIA+ khi tổ chức sự kiện liên quan đến giới ở công ty. Trong lúc lên kế hoạch cho Ngày Đàn ông (Boy’s Day) năm ngoái, Minh Nhi cũng khéo léo bổ sung 2 nhân sự chuyển giới nam vào danh sách.

 Nhân sự thuộc cộng đồng người có khuynh hướng tính dục phi truyền thống nhận chính sách đãi ngộ đặc biệt từ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Tim Samuel/Pexels.

Nhân sự thuộc cộng đồng người có khuynh hướng tính dục phi truyền thống nhận chính sách đãi ngộ đặc biệt từ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Tim Samuel/Pexels.

Theo khảo sát về bình đẳng giới tại công sở được tổ chức Out & Equal Workplace Advocates thực hiện năm 2020, 74% nhân sự chuyển giới mong muốn được cấp trên gọi bằng danh xưng hoặc tên mà họ lựa chọn. 58% ứng viên cho rằng việc cố tình gọi nhầm danh xưng là hành vi quấy rối ở văn phòng.

Chỉ số Corporate Equality Index 2020 cũng cho biết 88% doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất tại Mỹ được bình chọn bởi tạp chí Fortune) có chính sách đãi ngộ đặc biệt với người lao động thuộc cộng đồng LGBTQIA+. Việc tổ chức những ngày lễ liên quan đến giới cho nhóm đối tượng này nằm trong quy định của nhiều tổ chức.

HR sợ mất lòng

Minh Nhi cho biết công ty cô có quy định cụ thể về cách đối xử với nhân sự thuộc cộng đồng LGBTQIA+, thể hiện tinh thần ủng hộ sự đa dạng. Khi ứng tuyển vào doanh nghiệp, nhân viên sẽ được bộ phận HR hỏi cụ thể về định danh và cách xưng hô mong muốn.

“Công ty tôi có một nhân sự chuyển giới nam (trans man/guy) không muốn sử dụng tên trên giấy tờ trong môi trường làm việc. Biết được mong muốn đó, chúng tôi gọi tên do bạn tự đặt”, chuyên viên chia sẻ với Tri thức - ZNews.

 Minh Nhi (trái) xây dựng quy tắc ứng xử với từng trường hợp thuộc cộng đồng LGBTQIA+.

Minh Nhi (trái) xây dựng quy tắc ứng xử với từng trường hợp thuộc cộng đồng LGBTQIA+.

Đối với người lao động chuyển giới (transgender), bộ phận HR công ty thường thêm tên họ vào các sự kiện liên quan đến giới tính mà những nhân sự này mong muốn được công nhận.

Đối với nhân viên thuộc cộng đồng LGBTQIA+ khác, nhóm truyền thông nội bộ hỏi rõ về mong muốn, nhu cầu của mỗi cá nhân vào các dịp đặc biệt. Dựa trên nguyện vọng của nhân sự, Minh Nhi lưu ý các hoạt động, quy tắc ứng xử đối với từng trường hợp.

Cô cũng cho biết đây là bộ quy tắc hành xử đã được áp dụng tại doanh nghiệp cô từ nhiều năm trước. 100% nhân sự phản hồi tích cực với văn hóa tôn trọng sự đa dạng giới này.

Trong 5 năm gần đây, nhóm truyền thông nội bộ của Minh Nhi cũng đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tổ chức Pride Day, ngày tôn vinh cộng đồng người có khuynh hướng tính dục phi truyền thống.

“Nhân sự đều thể hiện sự hào hứng, chụp hình những lá cờ lục sắc tại văn phòng, đăng tải lên mạng xã hội”, cô cho biết.

Tương tự, Hồng Ánh (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), chuyên viên HR làm việc ở một công ty logistics, cũng đặc biệt quan tâm đến nhóm nhân sự LGBTQIA+ khi tổ chức các sự kiện như Quốc tế Phụ nữ 8/3, hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Tuy công ty cô không có quy định cụ thể về vấn đề này, bộ phận hành chính - nhân sự của Hồng Ánh tự đặt ra quy tắc ứng xử ngầm đối với người lao động có khuynh hướng tính dục phi truyền thống.

Đối với 2 nhân sự thực hiện phẫu thuật chuyển giới nữ sau khi làm việc tại doanh nghiệp nhiều năm, Ánh chủ động hỏi người lao động về sự thay đổi mong muốn trong tên gọi, cách xưng hô, ứng xử.

 Bộ phận nhân sự cân nhắc hành vi ứng xử phù hợp với người lao động chuyển giới trong các ngày lễ. Ảnh minh họa: Monstera Production/Pexels.

Bộ phận nhân sự cân nhắc hành vi ứng xử phù hợp với người lao động chuyển giới trong các ngày lễ. Ảnh minh họa: Monstera Production/Pexels.

Sau khi biết nguyện vọng nhận những món quà trong dịp đặc biệt giống nhân sự nữ hợp giới của họ, Hồng Ánh lập tức thêm tên 2 trường hợp trans woman vào danh sách tặng quà. Cô cũng lưu ý nhóm nhân viên nam chuẩn bị thêm 2 phần quà trong những ngày lễ dành cho nữ giới.

Trong các chuyến du lịch, team building của doanh nghiệp, chuyên viên HR này thường sắp xếp cho nhân sự chuyển giới nữ ở chung phòng với đồng nghiệp nữ hợp giới.

“Công tác tại bộ phận hành chính - nhân sự, tôi phải để ý đến vấn đề này. Chỉ cần lơ là, công ty sẽ làm mất lòng nhân viên”, Hồng Ánh giải thích.

Nhân sự chuyển giới hài lòng

Đối với transguy Minh Anh (28 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các ngày lễ liên quan đến giới ít thu hút sự quan tâm của anh. Anh thường tìm cách né tránh các sự kiện này vì không muốn nhận những ánh mắt tò mò, ái ngại, thắc mắc.

“Tôi luôn cáo bận, xin phép về sớm trong những ngày công ty tổ chức tiệc mừng 8/3, 20/10... Những ngày lễ này là nỗi ám ảnh đối với tôi”, Minh Anh giãi bày.

Tuy nhiên, trong dịp Quốc tế Phụ nữ năm nay, Minh Anh nhận được lời đề nghị đặc biệt từ phòng nhân sự. Bộ phận HR mời anh tham gia chuẩn bị tiệc cho nhân sự nữ cùng các đồng nghiệp nam khác tại văn phòng.

Tuy chưa quen với nhiệm vụ mới này, Minh Anh cảm thấy hào hứng hơn, không còn ý định kiếm cớ “trốn” như mọi năm. Anh lựa chọn, gói quà, viết thiệp cho nhân viên nữ ở công ty.

“Thú thật, tôi vẫn phải học cách thích nghi, nhưng hứng thú với vai trò mới hơn”, Minh Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.

 Tracy Lưu (áo phông trắng) hài lòng với sự thay đổi trong môi trường làm việc.

Tracy Lưu (áo phông trắng) hài lòng với sự thay đổi trong môi trường làm việc.

Mới thực hiện cuộc phẫu thuật chuyển giới nữ năm ngoái, Tracy Lưu gặp nhiều rắc rối tại văn phòng. Cô thường xuyên nhận được những câu hỏi kém duyên về bản dạng giới từ đồng nghiệp.

Ban đầu, Tracy không tự định danh bản thân tại môi trường làm việc, mong được gọi bằng tên thay vì cách xưng hô “anh” hay “chị”. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị hỏi khó, cô quyết định trình bày với bộ phận HR về mong muốn được đối xử như các đồng nghiệp nữ khác.

Sau đó, Tracy nhận thấy toàn bộ email công việc nội bộ có sự thay đổi lớn. Lời mở đầu “Dear Ms. Tracy Luu” (Gửi cô Tracy Lưu) được sử dụng thay thế cho “Dear Mr. Tracy Luu” (Gửi anh Tracy Lưu).

Những người xung quanh cũng dần điều chỉnh cách gọi cô tại văn phòng. Nhận thấy sự thay đổi tích cực này, Tracy kiến nghị phòng truyền thông nội bộ chủ động hỏi các nhân sự khác thuộc cộng đồng LGBTQIA+ về vấn đề này.

Trong dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Tracy Lưu cũng nằm trong danh sách nhận thưởng từ ban lãnh đạo. Cô đặc biệt vui mừng trước thông tin này.

“Tôi không cần quà cáp trong những ngày lễ. Tuy nhiên, hành động này của cấp trên là một tín hiệu tốt”, Tracy nói với Tri thức - ZNews.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngay-83-cua-nhan-su-chuyen-gioi-nu-post1463315.html