Ngày 9/5

Nghe những bài ca yêu nước thủa ấy vẫn thấy rưng rưng. Nghe các vị tướng ở các cuộc duyệt binh đều nói đến từ 'các đồng chí' và gọi ngày 9/5 là 'ngày chiến thắng'. Phải, họ là đồng đội và là đồng chí của nhau. Không chung chí hướng làm sao có thể đứng chung một chiến hào?

Chú thích ảnh

Từ sáng đã ngồi xem Lễ mừng chiến thắng ở nước Nga. Đầu tiên là Khabarovxk, rồi Xamara, Kaleningrad, Saint-Peterxburg... và cuối cùng là Quảng trường Đỏ ở Moxcva

Nghe những bài hát thời chiến tranh còn ra đời sớm hơn cả ngày tôi đến với thế giới này cả chục năm, giờ đầu đã bạc, những yêu thương, xa xót về những điều tốt đẹp đã không còn nguyên vẹn như xưa nhưng những ngày này lại không thể không nghĩ gì. Những ngày xa lại trở về, gần gũi, mến thương và day dứt hơn.

Thế hệ tôi hít thở không khí CCCP từ nhiều nguồn nhưng qua sách vở là nhiều nhất. Rồi phim ảnh. Do nghề nghiệp và chắc cũng do số phận, tôi tiếp xúc nhiều với văn hóa Nga và CCCP. May mắn nữa khi sang học ở CCCP tôi lại về Leningrad. Mấy năm ở đây tôi đã đi đến hầu hết những nơi gắn với cuộc phong tỏa thời chiến tranh, đã nghe khá nhiều nhân chứng kể về những ngày khủng khiếp này. Hàng vạn người dân đã chết vì đói và rét, vi bệnh tật suốt thời kỳ phong tỏa.

Bình thường thì ít để ý nhưng dạo này hay xem phim Nga, nhất là những phim về chiến tranh hồi 41-45. Lâu rồi không đọc cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn nào về chiến tranh của Nga nữa vì không có sách nhưng cái chính là đọc và xem những gì về chiến tranh ở Grosnưi, Afghanistan, Zakavkaz cứ thấy một cái gì khác, rất khó chịu, cả tính chất cuộc chiến lẫn cách tiếp cận hiện thực.

Nhớ 1 lần nói chuyện với một ông người Mỹ về chiến tranh. Ông bảo “nghe tuyên truyền đỏ thì kinh lắm. Liên Xô chết có 8 triệu thì tố lên 18 triệu. Nước Mỹ chết hơn hai triệu mà người Mỹ có tuyên truyền đâu?”. Mình bảo tôi không biết thực tế chết bao nhiêu nhưng những ngày ở Nga tôi đã nghe đến một con số lớn hơn nhiều và cũng đến một khu tưởng niệm dựng theo mô hình cuốn Nhật ký của cô bé 8 tuổi. Cuốn sách ấy có 18 trang, mỗi trang em chỉ ghi ngày này, ngày kia ai chết. Những dòng chữ ngắn ngủi, trần trụi nhưng đó là sự thực tàn nhẫn nhất con người có thể trải qua. Và em cũng chết vì bệnh tật và đói. Ông người Mỹ hỏi “thật thế à?”. Tôi chả biết nói gì vì làm sao để cho ông ta tin chuyện ấy là thật được? Tôi đành kể lại chuyện 30 bạn cùng khóa với tôi ở cấp 2 Thụy Dân bị bom Mỹ giết cùng cô giáo năm 1967. Ông ấy lại hỏi “có chuyện ấy à?”. Chán, chả buồn nói nữa.

Hôm nay trong lễ mừng chiến thắng vẫn còn thấy một số cựu chiến binh thời ấy. Còn bao nhiêu người vẫn sống nhưng không thể đến trong ngày này. Thấy một cô sao giống diễn viên Xamoilova đến thế? Nhớ cảnh kết thúc phim “Khi đàn sếu bay qua” cô vợ chạy trên sân ga tìm chồng. Cô khóc vì không thấy chồng trở về như những người khác. Một ông già đã ôm cô an ủi “ Nín đi cháu. Ta biết cháu đau lắm nhưng nhìn cháu khóc thế này, những người khác sẽ buồn”. Và cô nín khóc nhưng nghe câu ấy, xem cảnh ấy bao người đã rơi lệ. Cuộc chiến nào qua đi cũng có những chuyện như vậy.

Nghe những bài ca yêu nước thủa ấy vẫn thấy rưng rưng. Nghe các vị tướng ở các cuộc duyệt binh đều nói đến từ “các đồng chí” và gọi ngày 9/5 là “ngày chiến thắng”. Phải, họ là đồng đội và là đồng chí của nhau. Không chung chí hướng làm sao có thể đứng chung một chiến hào? Ngày những người lính chấm dứt chiến tranh, chấm dứt chết chóc, cứu người khác khỏi họa diệt chủng, để được quay về với người thân, với cuộc sống thường nhật cũng xứng đáng với tên gọi ấy chứ nhỉ? Tôi lại nhớ đến một tư liệu đã đọc, giờ quên mất độ chính xác rồi, là đoạn đường từ biên giới Bạch Nga đến Berlin dài thế mà cứ 1 m dài có 4 người lính nằm lại. Điều đó dễ quên sao? Ngày hôm nay, CCCP không còn nhưng nước Nga vẫn kỷ niệm ngày chiến thắng và người Đức vẫn kết tội chủ nghĩa phát xit là những sự thực lịch sử.

Nhớ có lần tranh luận, có người bảo không có CCCP và những người CS sẽ không có Hitler, không có phát xít, không có chiến tranh. Hay thật, nói thế khác gì bảo “thằng ăn cắp đi ăn cắp vì nó đói, nó không có việc làm mà bọn nhiều tiền lại hớ hênh, lại không biết làm gì hết số của cải ấy”. Xảo biện cũng được vì mỗi người có ý của mình, có cách của mình nhưng đừng vô đạo. Quên gì thì quên nhưng đừng quên ơn người khác, nhất là khi để cho mình sống, họ sẵn sàng chết.

Và, ngày 9/5 không thể quên. Máu nhiều triệu người đã đổ xuống không phải là nước lã. Đúng như nữ nhà thơ Nga đã viết “Ở đây không ai bị lãng quên, không điều gì bi lãng quên”. Những người chết và những người sống có quyền nói thế.

Phạm Quang Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-95-a1555.html