Ngày 9/6, có 10/11 quốc gia ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới
Trong ngày 9/6, có 10/11 nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới; 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan, ngày 3/6/2021. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/6, các nước ASEAN ghi nhận thêm 23.462 ca mắc bệnh COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tăng lên 4.245.587 ca. So với 1 ngày trước, số ca tử vong tăng 422 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên lên 82.930 người.
Trong 24 giờ qua, có 10/11 nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới (trừ Brunei); 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Indonesia vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á với số ca bệnh mới trong ngày hôm qua là 7.725 và thêm 170 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh ở nước này hiện là 1.877.050 ca và đã có 52.162 người tử vong. Trong ngày hôm qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới đều cao nhất Đông Nam Á.
Hiện giới chức y tế Indonesia hiện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sau khi gặp một số vấn đề về nguồn cung vaccine. Đến nay, ít nhất 11,43 triệu người Indonesia đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca hoặc Sinovac. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người dân cho đến năm 2021.
Hôm qua, trong chuyến thăm thành phố Depok ở phía Nam thủ đô Jakarta, Tổng thống Widodo cho biết ông hy vọng có tới 700.000 liều vaccine được tiêm mỗi ngày trong tháng này và sau đó để có thể lên tới 1 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày trong tháng 7 tới đây.
Tại Philippines, trong ngày 9/6, nước này có thêm 5.462 ca bệnh, đứng thứ ba trong khu vực và thêm 126 ca tử vong, cao thứ hai trong khối ASEAN. Đồng thời, số ca mắc COVID-19 đã ghi nhận được kể từ đầu dịch là 1.286.217 và đã có 22.190 người không qua khỏi.
Ngày 9/6, Malaysia ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 mới cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á với 6239 ca, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi, đứng thứ 3 trong khối. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua.
Thái Lan ngày 9/6 ghi nhận 2.680 ca nhiễm mới và 35 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 185.288, trong đó có 1.332 ca tử vong. Chỉ riêng làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 đến nay đã làm cho 156.365 người dân Thái Lan mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 1.238 người.
Tại Campuchia, trước tình hình số ca lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có chiều hướng gia tăng, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 9/6 đã thông báo tái áp đặt tình trạng quản lý cấp độ “Khu vực Vàng sậm” với một số điểm tại thủ đô Phnom Penh.
Thông cáo báo chí ngày 9/6 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 729 ca nhiễm COVID-19 mới, 11 ca tử vong và 398 trường hợp được điều trị bình phục. Tính đến nay, Campuchia có 36.240 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 289 ca tử vong và 29.047 người bình phục.
Liên quan tới chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Campuchia được triển khai từ ngày 10/2/2021, trên cả nước đã có 2.203.744 người được tiêm mũi thứ hai, với các loại vaccine được sử dụng gồm Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca.